Ngày 2/6, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo: Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1979), nguyên cán bộ Thanh tra tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Quang Khi (sinh năm 1947) trú tại tổ 9 phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (Hà Nội); Đinh Văn Việt (sinh năm 1969), trú tại phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Quang Khi và Đinh Văn Việt đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Căn cứ vào mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo và tính chất của vụ án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Bình 12 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 139; điểm g, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Từ tháng 4/2019, đây là lần thứ ba bị cáo Nguyễn Thị Bình bị truy tố trước tòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể: Vào tháng 4/2019 bị cáo Bình bị Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình xử phạt 30 tháng tù giam; ngày 22/8/2019 Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xử phạt 20 năm tù giam, cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Căn cứ theo điểm p, khoản 1, Điều 46, Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 1999, bị cáo Nguyễn Thị Bình phải chấp hành tổng hợp hình phạt với 3 bản án ở khung cao nhất về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là 30 năm tù giam.
Đối với bị cáo Nguyễn Quang Khi, Hội đồng xét xử áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 139; điểm g, khoản 1, Điều 48; điểm b,m,p, khoản 1,2, Điều 46, 20, 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 tuyên phạt bị cáo 7 năm tù giam. Áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 139; điểm g, khoản 1, Điều 48; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Bộ luật Hình sự năm 1999, tuyên phạt bị cáo Đinh Văn Việt mức án 8 năm tù giam. Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo buộc phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 4 người dân.
Theo cáo trạng, trong thời gian công tác tại Thanh tra tỉnh Hòa Bình từ năm 2010 - 2016, Nguyễn Thị Bình dùng thủ đoạn gặp gỡ, làm quen với nhiều người, sau đó đưa thông tin bản thân có quen biết với nhiều lãnh đạo ở các bộ, sở, ngành của Trung ương và các tỉnh, tự nhận có thể xin việc làm ở các ngành Y tế, Giáo dục, Công an, Thanh tra, với mức chi phí từ 140 triệu đồng trở lên.
Năm 2013, Nguyễn Thị Bình đã trao đổi, thống nhất nội dung trên với Nguyễn Quang Khi. Sau đó, Nguyễn Quang Khi đã trao đổi với Đinh Văn Việt về việc có thể xin được việc làm cho người khác. Trong quá trình trao đổi, Nguyễn Quang Khi để Việt tự thống nhất mức giá với người có nhu cầu. Do tin tưởng vào những thông tin gian dối của các đối tượng nên 4 người có nhu cầu đã đưa tiền cho Đinh Văn Việt để nhờ xin việc. Nhận được tiền của người có nhu cầu, Việt đã đưa lại cho Nguyễn Quang Khi, sau đó Khi đưa lại cho Bình. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt của 4 công dân là 960 triệu đồng; trong đó Nguyễn Quang Khi chiếm đoạt 100 triệu đồng, Đinh Văn Việt chiếm đoạt 40 triệu đồng và Nguyễn Thị Bình chiếm đoạt 820 triệu đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt của 4 công dân, các đối tượng này đều sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân.
Sau khi bị tố cáo về hành vi phạm tội, Nguyễn Quang Khi đã trả lại cho một công dân 235 triệu đồng, Đinh Văn Việt cũng hoàn trả cho một công dân 68 triệu đồng.