Trong một báo cáo của Văn phòng Chính phủ gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho biết, số lượng công chức ngành thuế và hải quan vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm 2017 đã giảm so với cùng kỳ năm 2016 (năm 2016 là 176 trường hợp).
Số công chức ngành thuế và hải quan bị xử lý kỷ luật đã giảm trong năm 2017. (Ảnh minh hoạ) |
Cụ thể: Năm 2017, toàn ngành thuế đã xử lý kỷ luật 165 trường hợp vi phạm, trong đó có 7 trường hợp bị kết án tù: 1 trường hợp do tàng trữ chất ma túy và 2 trường hợp do tham ô tài sản, 2 trường hợp do nhận hối lộ; 2 trường hợp do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng); 9 trường hợp đang điều tra.
Trong đó chủ yếu là vi phạm các quy định, quy trình quản lý thuế và thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ là 72/165 trường hợp; vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình (sinh con thứ 3, thứ 4) là 46/165 trường hợp.
Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cũng chủ động phát hiện và xử lý kiên quyết, nghiêm khắc (đến mức buộc thôi việc) các trường hợp vi phạm và xử lý trách nhiệm cán bộ Lãnh đạo các cấp liên quan khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong đơn vị, lĩnh vực do mình quản lý, phụ trách.
Trong đó đã xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực như: xử lý trách nhiệm công chức liên quan trong vụ 213 container tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh; các công chức liên quan trong các vụ việc báo chí nêu tại Cục Hải quan Hải Phòng, Hà Nội; xử lý trách nhiệm người đứng đầu (cấp phó) trong xử lý công việc tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp...
Kết quả, trong năm 2017, số công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật trong ngành Hải quan là 69 cán bộ; tính đến tháng 6/2018, có 38 trường hợp vi phạm, trong đó: 19 trường hợp bị xử lý khiển trách, 11 trường hợp xử lý cảnh cáo và 05 trường hợp buộc thôi việc.
Chính phủ cho biết, thời gian qua, nhìn chung, các đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc việc tăng cường quản lý, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ, không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả và tác động tiêu cực do sự quan liêu trong quản lý, thiếu trách nhiệm, tắc trách, vô kỷ luật trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cơ quan quản lý cũng tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra công vụ, quản lý cán bộ; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn xảy ra những tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ hoặc cố ý vi phạm các quy định, quy trình về quản lý thuế nhất là đối với những lĩnh vực nhạy cảm như thanh tra, kiểm tra hoàn thuế...
Về giải pháp, Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính khi thi hành công vụ; chú trọng công tác bố trí công chức, viên chức có năng lực phù họp với nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đánh giá công chức trong thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các sai phạm; kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống những công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, thiếu ý thức trách nhiệm.