Ngăn chặn tình trạng lừa đảo dịch vụ du lịch trên mạng xã hội

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, Tết thời gian gần đây, đồng thời lợi dụng tâm lý ham giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, nhiều đối tượng đã sử dụng các website hoặc mạng xã hội để rao bán các dịch vụ du lịch giá rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Sập bẫy” lừa đảo

Có nhu cầu đi du lịch, đầu năm 2023, anh L.T.T. (ở Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có đặt tour nghỉ dưỡng ở Phú Quốc trên một tài khoản Facebook tự giới thiệu là nhân viên tư vấn của công ty du lịch hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, dịch vụ tour rất tốt, từ khâu tư vấn đến chăm sóc khách hàng sau chuyến đi. Sau khi nghe nhân viên tư vấn, anh L.T.T. đặt combo du lịch gồm vé máy bay, khách sạn 4 sao với các bữa ăn trong 4 ngày 3 đêm cho bốn thành viên trong gia đình, với giá 7 triệu đồng/người.

Sau đó, anh T. chuyển cho nhân viên tư vấn nói trên 2 triệu đồng tiền đặt cọc. Gần đến ngày khởi hành, anh T. nhắn tin cho người này hỏi thủ tục thanh toán nốt số tiền còn lại và giờ lên máy bay nhưng không nhận được câu trả lời. Gọi điện theo số điện thoại người này cung cấp, anh T. không nhận được hồi âm.

Tháng 3/2023, chị T.T.N (ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) tìm tour du lịch miền Tây Nam Bộ cho ba người trong gia đình. Chị dự kiến chuyến đi trong 4 ngày 3 đêm và được một tài khoản trên mạng xã hội tư vấn. Người này giới thiệu cho chị N combo trọn gói, chất lượng cao, nhiều ưu đãi, bao gồm vé máy bay khứ hồi, phòng nghỉ, xe đưa đón từ sân bay về khách sạn... với giá 5 triệu đồng/người.

Sau khi đồng ý giá cả, người đó đã gửi cho chị N mã đặt chỗ máy bay, khách sạn và yêu cầu thanh toán đủ số tiền cho combo 3 thành viên. "Tôi đã nhận đầy đủ hình ảnh hóa đơn ngay sau khi thanh toán tiền. Đến gần ngày bay, tôi có gọi điện xác nhận với hãng hàng không và khách sạn, đã nhận được thông báo mã vé bị hủy. Tôi liên lạc với tài khoản kia cả bằng zalo và điện thoại. Song đối tượng đã chặn liên lạc tôi từ lúc nào không hay", chị N kể.

Thời gian vừa qua, những người bị lừa đảo qua hình thức bán tour du lịch, đặt phòng… như trường hợp anh L.T.T, chị T.T.N hay nhiều trường hợp khác không hiếm. Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là vào dịp nghỉ lễ, Tết, đồng thời lợi dụng tâm lý ham giá rẻ, dịch vụ tốt và tình trạng khan hiếm phòng ở các điểm du lịch, nhiều đối tượng đã sử dụng các website hoặc mạng xã hội để rao bán các dịch vụ du lịch giá rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước tình trạng này, cơ quan chức năng nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang… đã phải đăng thông tin cảnh báo du khách. Một số cơ quan còn triển khai các biện pháp khác ngăn chặn tình trạng này, trong đó có trường hợp đối tượng lừa đảo đã bị xử lý hình sự. Ngày 6/1/2023, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành phiên xét xử phúc thẩm đối với Nguyễn Thị Nguyệt (sinh năm 1980; ở Bắc Giang) là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Du lịch Phong Nguyệt về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Công ty Phong Nguyệt do Nguyễn Thị Nguyệt làm chủ với đăng ký ngành nghề kinh doanh là đại lý du lịch, điều hành tour du lịch cùng một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, công ty này chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, quốc tế. Thời gian đầu, Nguyệt quảng cáo và tiến hành nhiều tour du lịch giá rẻ hơn so với mặt bằng chung của thị trường, nhằm thu hút khách.

Chiêu trò chấp nhận “bỏ tiền túi đầu tư” ban đầu của Nguyệt nhanh chóng có tác dụng, thể hiện qua số lượng khách khá đông. Tuy nhiên, thời gian về sau, Nguyệt không còn khả năng kinh tế để thực hiện các hợp đồng đã ký kết. Để che giấu hành vi gian dối, Nguyệt đưa ra nhiều lý do trì hoãn, như trục trặc từ hãng hàng không, “cháy” phòng nghỉ... Số tiền thu của khách, Nguyệt đã dùng để chi tiêu cá nhân mà không thanh toán cho các đối tác cung cấp dịch vụ ăn, ở.

Từ cuối năm 2018 đến cuối tháng 6/2019, Nguyệt đã chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng của 96 bị hại. Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Thị Nguyệt 13 năm 6 tháng tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tòa cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên mức án phạt tù đối với Nguyễn Thị Nguyệt.

Cảnh giác trước các chiêu trò

Theo Giám đốc một công ty lữ hành tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), hiện nay, nhu cầu du khách đi du lịch tăng cao. Bởi vậy, nhiều đối tượng đã đưa ra những gói (combo), tour hoặc khách sạn giá rẻ để lừa đảo. Nhiều người vì ngại đi lại, không đến các công ty du lịch mà tìm thông tin trên mạng vì sự thuận tiện, nhanh chóng.

Trong khi các tài khoản mạng xã hội rất dễ lập và xóa, khi bị lừa, khách hàng sẽ không biết tìm ai đòi lại tiền hoặc khiếu nại. Vì vậy, khách hàng không nên giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin, không có hoặc không cho phép thanh toán tiền qua tài khoản công ty, nhất là cần cảnh giác với những dịch vụ du lịch được bán với giá rẻ bất thường. Đáng chú ý, ngoài việc lừa bán tour, thuê phòng khách sạn, gần đây, một hình thức lừa đảo mới xuất hiện là dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài. Hiện nay, đã có những trường hợp phản ánh về việc đặt dịch vụ xin visa với cam kết tỷ lệ “đậu” visa cao. Nhiều trường hợp nhận tiền đặt cọc xong chặn liên lạc. Có trường hợp, có hỗ trợ nhưng theo kiểu “cho có”.

Trước tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức rao bán dịch vụ du lịch trên mạng xã hội gây bức xúc xã hội, mới đây, Bộ Công an đã đưa ra những cảnh báo. Theo Bộ Công an, một số phương thức lừa đảo phổ biến các đối tượng thường xuyên sử dụng như: Đăng tải bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội với nhiều tiện ích kèm theo; đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, từ đó chiếm đoạt số tiền đặt cọc. Đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa.

Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Các đối tượng tội phạm còn có phương thức lừa đảo là làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Các đối tượng này còn làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Đối tượng có thể sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người mà các đối tượng muốn giả mạo) và thực hiện cuộc gọi video (hình ảnh) để nạn nhân tưởng rằng đang nói chuyện với người thân của mình và nhu cầu vay tiền là có thật, từ đó chuyển tiền cho các đối tượng.

Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc. Mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay sẽ tự hủy sau một thời gian. Khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Để tránh bị lừa đảo trước các thủ đoạn nêu trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các App du lịch (ứng dụng du lịch). Để yên tâm hơn, người dân có thể đề nghị phía đối tác cho xem giấy phép hoạt động kinh doanh, giấy tờ, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.

Người dân cần cảnh giác khi nhận được lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn 30-50% so với giá chung của thị trường); đặc biệt thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ, nếu có thể nên thực hiện giao dịch thanh toán trực tiếp. Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường tên các website giả sẽ gần giống với tên các website thật nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Tên miền giả thường sử dụng những đuôi lạ như .cc, .xyz, .tk…

Theo Bộ Công an, đối với các trang mạng xã hội (Fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán. Xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Mạo danh các tập đoàn công nghệ thông tin lớn lừa đảo tuyển dụng
Mạo danh các tập đoàn công nghệ thông tin lớn lừa đảo tuyển dụng

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ thông tin lớn đang bị các đối tượng mạo danh lừa đảo tuyển dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN