Hàng dược phẩm, mỹ phẩm sau khi được các đối tượng vận chuyển qua biên giới sẽ nhanh chóng đưa vào các chợ biên giới để bày bán (tập trung chủ yếu là Chợ Tịnh Biên, Chợ Châu Đốc,...), hoặc được cất giấu, ngụy trang, xách tay trên các xe ôtô khách, xe mô tô để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Theo các cơ quan chức năng, mặt hàng mỹ phẩm giả, kém chất lượmg, nhất là ở mặt hàng sữa tắm có diễn biến phức tạp hơn. Hàng giả, hàng kém chất lượng thường len lỏi xuất hiện tại các điểm mua bán tạp hóa, các khu vực trong chợ, các khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn, cá biệt một số trường hợp còn xuất hiện tại các khu vực hội chợ, lễ hội…Hình thức mua bán phổ biến và khó quản lý nhất hiện nay là tình trạng rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, có sự tham gia tiếp tay của nhiều người và rất dễ để thao tác thực hiện, từ đó vô tình tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, một kênh tiêu thụ hiệu quả cho mỹ phẩm giả, kém chất lượng.
Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang đã kiểm tra, bắt giữ 118 trường hợp vi phạm trong kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm gồm: kinh doanh hàng hóa nhập lậu 64 trường hợp, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ 21, hàng giả 7, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng 8, vi phạm về đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh 9 và một số vi phạm khác. Hàng hóa vi phạm trị giá trên 1,5 tỷ đồng. Xử phạt vi phạm hành chính, số tiền 167,3 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong thời hạn 3 tháng, chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn 4 tháng.
Dự báo thời gian tới, tình hình buôn lậu dược phẩm, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ còn tiếp diễn phức tạp. Do nhu cầu tiêu dùng, chênh lệch giá trị mỹ phẩm trong nước và nước ngoài khá lớn sẽ là điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất một số sản phẩm mỹ phẩm như (xà bông, kem thoa, sữa tắm,...) không đòi hỏi công nghệ cao nên rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất hàng giả.
Thị trường mỹ phẩm hiện rất đa dạng về chủng loại, nhiều mẫu mã và giá cả cũng rất phong phú...cho thấy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là rất phức tạp nên khả năng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng là rất cao. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh về công nghệ thông tin, mạng xã hội vô tình tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng;
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, hiện công tác kiểm tra chất lượng mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả do thiếu kinh phí lấy mẫu, kiểm nghiệm chất lượng.
Mặc dù Luật Dược năm 2016 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 nhưng các văn bản hướng dẫn còn chậm trễ, chưa kịp thời. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn luật dược.
Từ nay tới cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tăng cường thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trong đó, lực lượng hải quan, biên phòng phối hợp tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm nhập lậu qua biên giới.
Lực lượng Công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm nhập lậu, giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường nội địa; chú trọng kiểm tra các nơi phát luồng hàng hóa như: Dịch vụ vận chuyển qua đường bưu điện, chuyển fax nhanh, các chành xe, hội chợ.... Sở Y tế tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng theo kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.