Tại phiên tòa mở hồi tháng 1/2021, có bị hại cung cấp thêm chứng cứ thể hiện việc đưa số tiền nhiều hơn so với cáo trạng truy tố. Tại lần truy tố này, cơ quan kiểm sát đã làm rõ số tiền Nguyễn Thị Lan chiếm đoạt lên tới hơn 322 tỷ đồng, thay vì 292 tỷ đồng trước đây.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Lan vốn thất nghiệp, nhưng bị can tự giới thiệu với nhiều người mình có quan hệ làm ăn với Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) và các quan chức trong ngành xi măng. Vì thế Lan có thể mua được máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ rồi đem bán ra ngoài, sẽ được lợi nhuận cao. Nếu đầu tư tiền cho Lan sẽ được bị can chia lợi nhuận.
Để tạo lòng tin, Lan cho các bị hại xem các nội dung chat Zalo, tin nhắn từ những số điện thoại di động mà bị can giả mạo là của lãnh đạo Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam. Bị can còn cho các bị hại xem những hợp đồng mua bán hàng hóa khống để tạo sự tin tưởng.
Bằng cách này, Lan đã khiến nhiều người nhẹ dạ “sập bẫy”. Sau khi cầm tiền đầu tư của người bị hại, chỉ sau vài ngày, Lan trả lại họ số tiền gốc kèm theo một số tiền mà bị can nói là tiền lợi nhuận. Khi các bị hại tin tưởng, Lan bảo họ đưa số tiền đầu tư nhiều hơn rồi chiếm đoạt.
Cáo buộc xác định, từ năm 2014 đến tháng 9/2017, Lan đã dùng thủ đoạn trên lừa đảo 31 bị hại ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, chiếm đoạt hơn 322 tỷ đồng.
Trong đó, người bị lừa nhiều tiền nhất là chị Mai Thị Ngà bị lừa hơn 132 tỷ đồng. Ngoài ra còn có bà Lê Thị Hà bị lừa số tiền hơn 23 tỷ đồng, chị Lê Thị Lương bị lừa hơn 34 tỷ đồng, chị Trần Thị Thanh Hòa bị lừa 31,4 tỷ đồng...
Tại phiên trước đó vào ngày 11 và 12/1/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa Nguyễn Thị Lan ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại tòa, Lan khai đã dùng số tiền của các bị hại để đưa cho một số cá nhân. Tuy nhiên, những người này đều phủ nhận. Cơ quan điều tra cho rằng, ngoài lời khai của Lan, không có chứng cứ nào để chứng minh nên không đề cập xử lý đối với những người này.