Thuần Mang, một xã nghèo thuộc huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), với gần một nửa dân số thuộc diện hộ nghèo. Bao đời nay, người dân ở địa phương này đều sống bằng nghề nông nghiệp. Tuy nhiên, những cánh đồng màu mỡ của xã này đang bị đào bới bởi “bè lũ vàng tặc”. Nói là “bè lũ vàng tặc” bởi vì thực hiện việc phá đất nông nghiệp đào đãi vàng có sự hợp tác của người dân có đất với những đầu nậu chuyên đi đào vàng trái phép và có cả sự “bất lực” đáng ngờ của chính quyền cùng công an các cấp… Cứ mỗi đêm qua đi, ở Ngân Sơn lại có hàng ngàn m2 đất nông nghiệp bị phá.
Một điểm khai thác vàng trái phép tại Ngân Sơn. Ảnh: Hoàng Nam |
Sau thu hoạch vụ mùa cho đến thời điểm Tết Nguyên đán hằng năm là thời gian nhàn rỗi nhất của dân miền núi. Ở Thuần Mang, vào dịp này lại rộ lên tình trạng khai thác vàng trái phép. Những năm trước, hoạt động khai thác vàng tập trung dọc theo các con suối, tuy nhiên những tháng cuối năm 2011, hoạt động làm vàng trái phép tập trung vào các thửa ruộng mầu mỡ. Đi gần 2 km, dọc theo trục đường 252b hướng Thuần Mang - Thượng Quan chúng tôi đếm được gần chục điểm khai thác vàng trên đất ruộng. Những thửa ruộng còn trắng gốc rạ được đào hết lớp đất mầu đắp thành những ụ lớn. Mỗi điểm khai thác như vậy có diện tích khoảng gần nghìn m2.
“Vàng tặc” sử dụng cả máy xúc, máy bơm cao tốc và sàn tuyển với quy mô khá lớn. Những loại phương tiện khai thác to lớn, cồng kềnh được vận chuyển đến những cánh đồng một cách ngang nhiên. Những thửa ruộng bị khai thác vàng đều có chủ, nhưng chính quyền các cấp và cả công an đều nói là khó bắt “quả tang” đối tượng khai thác. Và trên thực tế, ở Bắc Kạn trong nhiều năm nay chưa đưa ra truy tố được đối tượng “đánh cắp” tài nguyên quý, đó là vàng và đất nông nghiệp ? Chính quyền bất lực hay chính quyền không làm vẫn là câu hỏi được người dân đặt ra. Có người nói rằng công an của ta rất giỏi, họ phá những vụ án đánh bạc, mại dâm rất khó, được tổ chức ở những vị trí không ai biết, bố trí canh gác cẩn thận vẫn bị công an bắt, thế mà…
Chính quyền có biết về tình trạng khai thác vàng trái phép? Trên thực tế, tỉnh Bắc Kạn đã ra nhiều văn bản có tính pháp lý để xử lý triệt để tình trạng này, tuy nhiên chẳng có cơ quan chức năng thực hiện khiến văn bản “chết”. Nhiều “bưởng vàng” ở ngay chính xã Thuần Mang giàu lên trông thấy, họ mua xe ô tô loại sang để chạy, mua nhiều máy xúc để hoạt động khai thác trái phép. Đến trung tâm xã Thuần Mang hỏi tay Ngữ (Đinh Thiện Ngữ) nó làm gì mà giàu thế, đi xe Lexus cả 5-6 tỷ đồng? Ai cũng trả lời thẳng tưng: Nó đi “làm vàng”, là “bưởng vàng” đấy. Anh em phóng viên các báo Trung ương đến và phóng viên các báo địa phương đều biết tên của Ngữ, biết về những giai thoại “làm giàu” của Ngữ, nhưng gặp không dễ đâu…
Xuống thực tế tại các điểm khai thác vàng, mới thấy xót xa cảnh trước cảnh những thửa đất “bờ xôi, ruộng mật” của người nông dân bị đào thành ao lớn với độ sâu từ 4 đến 6 m. Máy bơm cao tốc nổ sình sịch cả ngày để hút nước ngầm và nước suối chảy vào, để lộ ra phần sa khoáng có chứa vàng. Nguy hiểm hơn tại chân đập thuỷ lợi Phi Pan, hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra ngang nhiên. Đây là công trình thuỷ lợi của xã Thuần Mang đuợc xây dựng quy mô khá lớn, nhằm dâng nước vào tuyến mương Bản Giang dài gần 2km, phục vụ nước tuới cho gần 20 héc ta ruộng thuộc khu vực này. Việc khai thác vàng trái phép ngay dưới chân đập thủy lợi gây ra nguy cơ sụt chân đập, không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho nhà nước, mà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân trong những vụ tới.
Dọc trên các tuyến đường chính vào các điểm khai thác vàng thường xuyên có vài thanh niên đi xe máy lượn đi, lượn lại mỗi khi gặp người lạ. Hỏi ra mới biết đó là những “vệ tinh” cảnh báo từ xa cho các bưởng vàng. T rao đổi với ông Đào Viết Hưng, Chủ tịch UBND xã Thuần Mang, chúng tôi được biết nạn khai thác vàng trái phép đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn. Đến thời điểm này, xã đã thống kê có khoảng hơn 1 héc ta đất nông nghiệp bị xâm hại, từ tháng 10 lại đây có thêm nhiều diện tích ruộng đang tiếp tục bị đào xới để làm vàng trái phép. Nạn phá đất nông nghiệp để làm vàng diễn ra trên nhiều cánh đồng của xã Thuần Mang và cách trụ sở UBND xã không xa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại tỏ ra bất lực.
Ông Hưng cho biết: “Nạn phá đất nông nghiệp để làm vàng ở địa phương khó dẹp, vì điểm nào cũng có sự tham gia của các hộ dân có đất. Bản thân những hộ có đất ruộng thường chủ động hợp tác với những bưởng vàng có tiềm lực kinh tế để đầu tư máy xúc, máy bơm và sàn tuyển. Hình thức hợp tác hiện nay trong dân là cổ phần và chia sản phẩm vàng theo tỉ lệ phần trăm do họ thoả thuận. Thường là chia theo tỉ lệ 30 đến 50% tuy theo giá trị của từng thửa ruộng. Để dẹp nạn khai thác vàng trên, xã đã thành lập tổ truy quét, nhưng hoạt động của tổ công tác này cũng không hiệu quả. Tổ công tác kiểm tra và truy quét vào ban ngày thì hoạt động khai thác vàng trái phép lại chuyển sang làm đêm”.
Cứ theo ông Chủ tịch xã Thuần Mang Đào Viết Hưng thì đối tượng làm vàng trái phép không phải là khó tìm. Theo quan sát của phóng viên, thì “vàng tặc” rất sợ chính quyền, cả phóng viên, nên khi chúng tôi tiếp cận các điểm khai thác vàng trái phép, cả ban ngày, cả ban đêm đều bị theo sát bởi một vài thanh niên. Tìm hiểu thêm thì biết, các “bưởng vàng” thường dừng khai thác vào các dịp nhạy cảm, có đoàn kiểm tra nhưng k hi màn đêm buông xuống thì trên các cánh đồng Nà Mu, Bản Giang ánh điện lại sáng như sao xa. Những chiếc máy xúc từ những điểm ẩn lấp tiến ra đào bới các thửa ruộng màu mỡ. Tiếng máy xúc gầm rú, tiếng máy bơm, máy nổ cả đêm, chính quyền địa phương và người dân đều biết nhưng chẳng có cơ quan chức năng nào xử lý.
Mỗi đêm trôi qua là thêm nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân bị thu hẹp, nhiều nghìn m2 đất trồng lúa màu mỡ của người dân bị phá huỷ. Dẹp nạn khai thác vàng trái phép, cứu lấy những diện tích đất nông nghiệp trồng lúa đang là yêu cầu bức xúc, cấp thiết đòi hỏi ngành chức năng từ xã đến tỉnh sớm vào cuộc.
TTXVN/Tin Tức