Vụ tranh chấp giữa Công ty Nhật Linh và Công ty Kim Lân:

Lẽ phải thuộc về ông Nguyễn Chí Linh và Công ty Nhật Linh

Vụ tranh chấp về chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên góp vốn trong Công ty TNHH Nhật Linh (Công ty Nhật Linh) và ông Nguyễn Chí Linh, có trụ sở tại Cụm Công nghiệp (CCN) Thanh Khương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với Công ty TNHH Kim Lân (Công ty Kim Lân do ông Hàn Anh Tuấn làm Giám đốc) (báo Tin Tức - TTXVN đã có bài phản ánh) cuối cùng đã ngã ngũ bằng bản án được TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 22/5/2014, với lẽ phải thuộc về ông Nguyễn Chí Linh và Công ty Nhật Linh.


Theo bản án sơ thẩm số 01/2014/KDTM-ST ngày 22/5/2014, TAND tỉnh Bắc Ninh đã công nhận hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ký ngày 28/9/2009 giữa Công ty TNHH Kim Lân - bên chuyển nhượng và ông Nguyễn Chí Linh - bên nhận chuyển nhượng là hợp pháp. Phần tài sản chuyển nhượng có giá trị 11 tỷ đồng, chiếm 12,2% vốn điều lệ của Công ty Nhật Linh theo danh mục tài sản vốn góp bao gồm: tổng giá trị các công trình xây dựng và toàn bộ giá trị tạo dựng về quyền sử dụng đất gắn liền với 11.735,4 m2 phi nông nghiệp tại KCN Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.


Theo đó, giá trị công trình xây dựng gồm: Nhà xưởng 1, nhà xưởng 2, nhà xưởng 2 tầng, nhà điều hành, trạm biến áp và các công trình xây dựng khác như tường bao, nhà ăn, nhà bảo vệ, vv... có giá trị 9.754.509.173 đồng và giá trị tạo dựng về quyền sử dụng đất là 1.245.490.827 đồng là thuộc quyền sở hữu và sử dụng của ông Nguyễn Chí Linh trong Công ty TNHH Nhật Linh. Công ty TNHH Kim Lân và ông Hàn Anh Tuấn (Giám đốc công ty) có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ những tài sản trên cho ông Nguyễn Chí Linh và Công ty TNHH Nhật Linh.


Qua sự việc trên nhận thấy, hành động của Công ty Kim Lân buộc Công ty Nhật Linh phải di dời máy móc thiết bị ra khỏi Nhà máy sản xuất thiết bị điện LiOA tại CCN Thanh Khương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vào tháng 5/2013 là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Chí Linh và Công ty TNHH Nhật Linh.


Để bạn đọc hiểu rõ bản chất của vấn đề, xin tóm tắt vụ việc như sau:


Công ty TNHH Nhật Linh được thành lập tháng 6/2008, có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng do ba sáng lập viên góp vốn là: ông Nguyễn Chí Linh góp 43 tỷ đồng (chiếm 86,4%), bà Đặng Thúy Phương góp 5 tỷ đồng (chiếm 10%), Công ty Kim Lân góp vốn bằng tài sản gắn liền với hai thửa đất có tổng diện tích là 11.735,4 m2 tại CCN Thanh Khương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh theo Quyết định số 01/QĐHĐTV ngày 2/6/2008 của Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Kim Lân và được HĐTV Công ty Nhật Linh công nhận tại Biên bản số 01/BBHĐTV ngày 2/6/2008 trị giá 1,8 tỷ đồng, chiếm 3,6% vốn điều lệ.


Tháng 9/2008, HĐTV Công ty Nhật Linh quyết định mở rộng đầu tư, xây dựng Nhà máy thiết bị điện LIOA, tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 90 tỷ đồng (bằng tiền mặt là 79 tỷ đồng và bằng tài sản trị giá 11 tỷ đồng). Hình thức tăng vốn thông qua việc kết nạp thành viên góp vốn mới là Công ty Nhật Linh - Hà Nội với số vốn góp là 30,8 tỷ đồng và tăng thêm giá trị phần vốn góp của Công ty Kim Lân 1,8 tỷ đồng, chiếm 3,6% vốn điều lệ lên 11 tỷ đồng, chiếm 12,2% vốn điều lệ của công ty.

 

Theo quyết định của HĐTV Công ty Kim Lân và biên bản họp HĐTV Công ty Nhật Linh (ngày 29/8/2008), định giá và xác định tài sản góp vốn của Công ty Kim Lân trong Công ty Nhật Linh là toàn bộ giá trị tài sản gắn liền với quyền sử dụng 11.735,4 m2 đất; trong đó tổng giá trị công trình xây dựng trị giá 9.754.509.173 đồng và tổng giá trị tạo dựng về quyền sử dụng đất là 1.245.490.827 đồng.


Sau khi thực hiện xong thủ tục tăng và góp vốn, dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện LiOA được khởi công trên diện tích đất nói trên. Trong quá trình hoạt động, Công ty Nhật Linh tiếp tục đầu tư xây dựng tại đây một số hạng mục công trình như nhà xưởng, nhà kho, hệ thống thoát nước, thang máy, thiết bị điện... với tổng giá trị đầu tư thêm khoảng gần 7 tỷ đồng.


Với lý do rút vốn đầu tư để chuyển hướng kinh doanh, ngày 28/9/2009 HĐTV Công ty Kim Lân đã họp và quyết định nhượng lại toàn bộ phần vốn đã góp trong Công ty Nhật Linh cho ông Nguyễn Chí Linh - thành viên sáng lập.


Quyết định của Công ty Kim Lân đã được HĐTV Công ty Nhật Linh chấp thuận. Trên cơ sở nhất trí của HĐTV hai công ty, ngày 28/9/2009 Công ty Kim Lân (do ông Hàn Anh Tuấn - Giám đốc làm đại diện) đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp chiếm 12,2% vốn điều lệ Công ty Nhật Linh cho ông Nguyễn Chí Linh đồng thời rút khỏi danh sách thành viên góp vốn trong Công ty Nhật Linh.


Tuy nhiên, đến tháng 5/2013, Công ty Kim Lân và ông Hàn Anh Tuấn đã buộc Công ty Nhật Linh phải chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh ra khỏi nhà xưởng, đất đai mà trước đây Công ty Kim Lân đã góp vốn vào Công ty Nhật Linh (tháng 6/2008) và sau đó đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đó cho ông Nguyễn Chí Linh (tháng 9/2009) đồng thời không cho Công ty Nhật Linh mang theo tài sản gì, khiến Công ty Nhật Linh gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh.


Công ty Nhật Linh và ông Linh nhiều lần kiên trì đề nghị và yêu cầu Công ty Kim Lân chấm dứt hành vi chiếm dụng trái phép khối tài sản đã được chuyển nhượng nhưng không mang lại kết quả.


Bất đắc dĩ, ngày 2/12/2013, ông Linh buộc phải khởi kiện vụ việc ra TAND tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thụ lý, TAND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định kê biên tài sản nhưng phía Công ty Kim Lân và ông Hàn Anh Tuấn cố tình không chấp hành, phá khóa nhà xưởng đã kê biên để chiếm dụng và cho đơn vị khác thuê.


Tìm hiểu nguồn gốc mối quan hệ hợp tác làm ăn giữa Công ty Nhật Linh và Công ty Kim Lân, được biết (theo văn bản số 153/CV-NL ngày 9/11/2013 của Công ty Nhật Linh), năm 2006, sau một thời gian đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài, ông Hàn Anh Tuấn lập dự án, xin phép mở cơ sở sản xuất tại CCN Thanh Khương, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Tuy nhiên, sau khi hoàn thành thủ tục thuê đất, thì cũng là lúc ông Hàn Anh Tuấn thiếu vốn để triển khai dự án. Thông qua các mối quan hệ, ông Tuấn biết ông Linh (Nguyễn Chí Linh) là chủ doanh nghiệp (Giám đốc Công ty Nhật Linh - LiOA, trụ sở tại Hà Nội) có tiềm lực về tài chính, nên tìm mọi cách lôi kéo ông Linh tham gia dự án dưới hình thức kết nạp thêm thành viên góp vốn, nhằm lợi dụng vốn của ông Linh để đầu tư nhà xưởng, thiết bị.


Nhờ vậy mà ông Tuấn đã hợp pháp hóa toàn bộ các hóa đơn, chứng từ đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị (tất cả đều đứng tên Công ty Kim Lân). Nhờ vậy, ông Tuấn từ chỗ chỉ có 11.735,4 m2 đất thuê của UBND tỉnh Bắc Ninh, đến nay ông Tuấn đã có một cơ sở sản xuất kinh doanh khang trang, bề thế. Cũng theo Công ty Nhật Linh, trong vòng 4 năm (2006-2009), ông Linh và Công ty Nhật Linh đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị đầu tư vào dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện LiOA khoảng 17 tỷ đồng.


Rất tiếc, lợi dụng thời điểm ông Linh đi công tác xa, ông Tuấn đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Linh thông qua việc thuê luật sư gửi công văn yêu cầu Công ty Nhật Linh phải di dời toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh ra khỏi khu đất Công ty Kim Lân đứng tên chủ sử dụng và không cho Công ty Nhật Linh mang theo bất cứ tài sản gì.


Ông Nguyễn Tiến Công, Phó Giám đốc Công ty Nhật Linh còn cho biết, Công ty Nhật Linh đang tiếp tục nghiên cứu hồ sơ và thống kê thiệt hại để tiếp tục khởi kiện ra tòa việc Công ty Kim Lân và ông Hàn Anh Tuấn đã có hành vi buộc Công ty Nhật Linh phải chuyển Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị điện LiOA ra khỏi mặt bằng thực hiện dự án vào thời điểm tháng 5/2013 đã làm ảnh hưởng và gây thiệt hại tới hoạt động sản xuất và kinh doanh của Công ty Nhật Linh trong suốt thời gian qua.


PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN