Lào Cai: Chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác khoáng sản

Thất thu thuế, tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự trên địa bàn… đang là những vấn đề mà 84 doanh nghiệp, đơn vị khai thác khoáng sản gây ra từ đầu năm 2011 đến nay tại 26 điểm mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn Lào Cai. Đây là kết luận của ngành chức năng tỉnh Lào Cai trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc siết chặt xuất khẩu khoáng sản.

Dây chuyền sàng tuyển quặng apatít. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Ông Lê Ngọc Hưng, Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai cho biết, trước thực trạng này, Sở Công Thương đang phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo Công văn số 9288 của Bộ Công Thương về việc chấn chỉnh vấn đề khai thác và xuất khẩu khoáng sản hiện nay. Hiện Sở Công Thương chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ khoáng sản, vận chuyển quá tải trọng, sai tuyến, các trường hợp buôn lậu khoáng sản và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản…

Theo báo cáo của ngành chức năng, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Lào Cai đã khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu sang Trung Quốc trên 1 triệu tấn quặng apatít, 1,12 triệu tấn quặng sắt, 17.000 tấn tinh quặng đồng; 5.185 tấn tinh quặng kẽm, chì, atimon… Tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, các đơn vị khai thác khoáng sản đã nộp ngân sách nhà nước trên 279 tỷ đồng, tăng 61 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc khai thác khoáng sản, nhất là khai thác quặng sắt còn có những thất thoát và thất thu thuế, gia tăng ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự trên địa bàn về sự tranh mua, tranh bán.

Tại huyện Văn Bàn, một trong những địa phương có nhiều điểm mỏ nhất, một số tổ chức và cá nhân đã khai thác khoáng sản một cách trái phép. Hơn nữa, không chỉ riêng ở huyện Văn Bàn mà ở huyện Bảo Thắng, Bát Xát, TP Lào Cai…, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản diễn ra ngày càng phức tạp. Tính từ năm 2010 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh và huyện Văn Bàn mới xử phạt 3 đối tượng khai thác, vận chuyển quặng sắt; ra quyết định kỷ luật 3 cán bộ chủ chốt xã nơi để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên sự việc chỉ dừng lại khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về siết chặt xuất khẩu khoáng sản, ngừng xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản trái phép, ông Phạm Đức Thuận, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: Sở sẽ đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, ban hành thay thế quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với Luật Khoáng sản đã ban hành năm 2010. Đồng thời sớm kiện toàn lại Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản tỉnh gắn với việc chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo hướng tập trung, chế biến sâu. Ngoài ra, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân để từ đó nâng cao ý thức chấp hành Luật Khoáng sản. Đồng thời chỉ cấp giấy phép khai thác theo quy hoạch cho doanh nghiệp có đầu tư chế biến sâu với quy mô đủ lớn, lâu dài, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường…

Để cơ cấu lại việc quản lý, khai thác khoáng sản, trước mắt, các doanh nghiệp khai thác lớn, như: Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam, Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt - Trung, Công ty Mỏ tuyển đồng Sin Quyền… cần thực hiện nghiêm quy định pháp luật về quản lý khai thác. Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành: Biên phòng, Hải quan, Ban Quản lý kinh tế cửa khẩu cần phối hợp làm tốt công tác chống xuất lậu quặng.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN