Sau hơn 10 năm cho thuê gần 200 ha đất canh tác, đến khi hết thời hạn cho thuê, nhưng hơn 70 hộ dân ở thôn 3, xã Đắc Jơ Ta, huyện Mang Yang (Gia Lai) lấy lại đất để tiếp tục sản xuất thì phát hiện toàn bộ diện tích đất này đã đứng tên người khác. Người dân tổ chức buổi đối chất cùng ông Phan Văn Phúc tại trụ sở UBND xã Đắc Jơ Ta (huyện Mang Yang). Ảnh: Laodong.com.vn |
Năm 1977, hơn 70 hộ dân này từ huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định rời quê hương lên định cư tại thôn 3, xã Đắc Jơ Ta (trước đây là xã Ayun), huyện Mang Yang theo chương trình đi xây dựng kinh tế mới. Ngay khi lên định cư, ngoài kinh phí được hỗ trợ ban đầu, các hộ dân được chính quyền địa phương cho phép khai hoang gần 200 ha đất đồi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Sau một thời gian dài canh tác cây mỳ và cây bắp, đất có dấu hiệu bạc màu, năng suất thấp, một số hộ dân đã dừng canh tác để chuyển đổi cây trồng cho phù hợp.
Theo các hộ dân ở đây: Trong thời gian chuyển đổi cây trồng, năm 2003, ông Phan Văn Phúc, trú tại xã Đắc Yă và ông Nguyễn Duyên Nam, trú tại thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang đến xin thuê đất để trồng keo và bạch đàn. Sau khi đạt thỏa thuận, hơn 70 hộ dân đã đồng ý cho ông Phúc và ông Nam thuê gần 200 ha, thời hạn thuê 12 năm (tương ứng với chu kỳ 2 lần thu hoạch vườn cây) với số tiền 500.000 đồng/ha.
Đến nay, thời hạn cho thuê đã kết thúc, các hộ dân muốn lấy lại đất để tiếp tục sản xuất thì phát hiện toàn bộ diện tích đất đều đã được ông Phúc và ông Nam hợp thức hóa, được huyện Mang Yang cấp sổ đỏ. Quá bức xúc với việc làm sai trái này, các hộ dân đã đến xã Đăk Jơ Ta trình báo và được bộ phận địa chính xã cung cấp hơn 50 bản phô tô giấy chuyển nhượng có chữ ký của chính các hộ dân.
Theo các hộ dân, bản phô tô giấy chuyển nhượng đất này là giả mạo, để hợp thức hóa cho ông Phúc và ông Nam làm số đỏ chiếm đoạt đất. Ông Phan Sáng bức xúc cho biết: “Gia đình tôi cho thuê hơn 3 ha đất, lúc đó tôi và bà con đều ký nhận tiền trên một tờ giấy trắng rất to, không phải ký riêng trên từng tờ giấy chuyển nhượng như bản phô tô do địa chính xã cung cấp. Thậm chí, nhiều người già còn phải điểm chỉ tay vì không biết chữ, nhưng vẫn xuất hiện chữ ký trên bản phô tô”.
Bức xúc hơn, bà Võ Thị Anh quả quyết: “Gia đình tôi cho thuê 1,5 ha đất. Tôi đã già và tôi không biết chữ, nên khi đó tôi lăn chỉ tay. Vậy mà bây giờ lại xuất hiện giấy chuyển nhượng có chữ ký của tôi. Thật vô lý”.
Thiếu tá Ksor Định, Phó Trưởng công an huyện Mang Yang cho biết: “Ông Phan Văn Phúc - nguyên là cán bộ lâm trường huyện Mang Yang, giờ đã bán đất, bán nhà vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Qua điều tra, chúng tôi thống kê có 18 người đứng tên (trong đó gồm ông Phúc và ông Nam) mua đất của trên 70 hộ dân. Sau đó, ông Phúc và ông Nam gom tất cả số đất này lại, hợp pháp hóa thành tên của mình. Bây giờ, tôi nghe thông tin, số đất trên đã mang tên hai người khác”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Như Phi, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang khẳng định: “Chúng tôi đang chỉ đạo Thanh tra huyện vào cuộc, nếu thanh tra kết luận dân nói đúng, nghĩa là có dấu hiệu lừa đảo ở đây, tức là có hành vi phạm tội, sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra”.
Người dân thôn 3, xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang đang "nóng lòng" từng ngày, từng giờ mong chờ các cấp chính quyền của tỉnh Gia Lai sớm vào cuộc, điều tra làm rõ việc cấp sổ đỏ mang tên người khác để đảm bảo quyền lợi cho người dân.