Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, ngày 6/9, đã xảy ra cháy tại Hộ kinh doanh Karaoke An Phú (Thuận An, Bình Dương). Thiệt hại lớn nhất và đau xót nhất từ đám cháy này chính là về người, với con số lên đến 32 người tử vong (chưa kể vẫn còn nhiều người bị thương đang được điều trị tích cực tại bệnh viện).
Đại tá Nguyễn Minh Khương khẳng định: "Người đứng đầu cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm về các điều kiện an toàn trong phòng tránh cháy nổ, việc này đã quy định rất rõ và được Cảnh sát PCCC&CNCH hướng dẫn rất kĩ. Ngay sau vụ cháy tại quán karaoke ở Cầu Giấy (Hà Nội) vào ngày 1/8 vừa qua, Bộ Công an đã có chỉ đạo tổng kiểm tra an toàn cháy nổ trên toàn quốc. Vụ cháy tại Bình Dương là hồi chuông cảnh tỉnh cho các mô hình kinh doanh quán karaoke về việc đảm bảo an toàn PCCC.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, hát karaoke và kinh doanh mô hình giải trí này hiện đang rất phổ biến tại Việt Nam. Những tụ điểm này luôn có số lượng lớn người dân tập trung, bên cạnh đó là số lượng thiết bị điện như âm thanh, ánh sáng... rất nhiều; nguy cơ xảy ra chập cháy điện rất cao. Chưa kể đến đặc thù, khi kinh doanh loại hình này, các cơ sở thường thi công vách ngăn với hệ thống cách âm chống ồn chủ yếu được làm từ các vật liệu dễ bắt lửa, không gian phòng hát thường rất kín và dày, chính vì thế thoát khói, thoát khí rất kém, khi xảy ra cháy sẽ tụ khói, tụ nhiệt, rất nguy hiểm.
Đại tá Nguyễn Minh Khương chia sẻ: Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tại một số tỉnh, thành phố cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương, lực lượng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH rất mỏng cả về số lượng, mạng lưới các đội chữa cháy để “bao phủ” bảo vệ địa bàn.
Theo quy định một số nước tiên tiến trên thế giới là thời gian chữa cháy, CNCH hiệu quả từ khi đám cháy mới phát sinh cho đến khi lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH có mặt là khoảng từ 3 phút đến 5 phút. Nhưng khi áp dụng ở Việt Nam, có một số địa bàn, bán kính bảo vệ của các đội chữa cháy, CNCH có khi đến vài chục km. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu thời gian “vàng”, có lẽ trong giai đoạn hiện nay chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
“Từ đó, bên cạnh việc nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn cho cán bộ chiến sĩ, chúng tôi đang khẩn trương triển khai nhiều mô hình PCCC&CNCH lấy người dân làm nòng cốt, là lực lượng tiên phong, ứng trực đầu tiên khi đám cháy xảy ra; tăn cường tập huấn cho người dân các địa phương về phương pháp PCCC&CNCH. Hiện nay, Bộ Công an đang đề xuất với Chính phủ cho thực hiện đề án về trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH, Như giày, ủng, trang phục quần áo, mũ, găng tay và những thiết bị thở đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế…”, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết.
Theo thông tin từ Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra hơn 500 vụ cháy; làm chết và bị thương hàng người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền gần trăm tỷ đồng; trong đó có hàng loạt vụ cháy tại cơ sở kinh doanh loại hình karaoke, bar…
Để giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ, một số địa phương đã đưa ra những quy định riêng. Điển hình như TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định Số 16/2021/QĐ-UBND, trong đó quy định cụ thể về hệ thống cửa và lối ra thoát nạn phải có độ rộng tối thiểu 0,8 m, chiều cao thông thủy tối thiểu 1,9 m; không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng tại khu vực sản xuất, kinh doanh có chứa chất, hàng dễ cháy; không lắp đặt đường dây dẫn điện và thiết bị tiêu thụ điện trên tường, vách, trần, sàn nhà có cấu tạo bằng vật liệu dễ cháy; lắp đặt các bóng điện chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn…
Hay như TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-UBND, quy định rõ trách nhiệm của chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, cá nhân; điều kiện an toàn về PCCC như bố trí mặt bằng công năng sử dụng; lối thoát nạn; hệ thống thiết bị điện trong nhà…
“Nhưng thực tế, người dân vẫn coi thường các quy định trên, phần do tâm lý chủ quan, lơ là; phần vì cuộc sống mưu sinh nên vẫn chấp nhận kinh doanh trong điều kiện không bảo đảm an toàn”, Đại tá Nguyễn Minh Khương khẳng định.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, ngay sau vụ cháy ngày 1/8 tại quán Karaoke tại phường Quan Hoa (Hà Nội) vừa qua, Bộ Công an đã có chỉ đạo tổng kiểm tra rà soát an toàn cháy nổ trên toàn quốc xong trước 20/9/2022. Tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, công tác rà soát đã đạt trên 50%; các địa phương khác trên cả nước đang khẩn trương triển khai đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch.
Liên quan đến vụ cháy tại Bình Dương, sáng cùng ngày, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương nhận định: “Ngay khi nhân viên quán karaoke báo cháy, nhiều khách vẫn tiếp tục đóng phòng lại hát. Nếu ngay từ đầu khách nhanh chóng thoát ra thì thiệt hại sẽ đỡ hơn. Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ sớm hoàn tất điều tra, hoàn thiện hồ sơ và khởi tố vụ án theo điều 313 Bộ luật hình sự về “tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương khẩn trương rà soát công tác PCCC; tăng cường công tác tuyên truyền; tập trung hướng dẫn người dân và doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về PCCC.