Kiên quyết xử lý người sử dụng vũ khí trái phép

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ với hàng chục đối tượng phạm pháp có liên quan tới súng săn tự chế (súng kíp).

Điển hình, như vụ án xảy ra tại xã Nậm Hăn, huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu), vào giữa năm 2012. Tẩn A San, 32 tuổi và Phùng A Cấu, 26 tuổi, cùng ở bản Căn Ma, xã Nậm Hăn, vốn có tranh chấp đất nương từ trước. Đến tháng 3/2012, Phùng A Cấu vay của Tẩn A San hai triệu đồng để đánh bạc, nhưng đã thua hết và mãi không trả nợ.

Súng kíp thu nộp tại kho của Công an tỉnh Lai Châu.


Tẩn A San nhiều lần đòi nợ nên Phùng A Cấu đã hung hãn dùng súng kíp đe dọa, đuổi đánh Tẩn A San... Bức xúc vì bị Cấu đe dọa, đuổi đánh, Tẩn A San đã đến xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (Lai Châu) mua một khẩu súng kíp hòng trả thù. Tối 23/6/2012, San phục tại nhà Phùng A Cấu... Đợi Cấu cho con đi ngủ xong, ra cửa ngồi hút thuốc lào thì Tẩn A San đã dùng súng kíp bắn lén khiến Cấu chết ngay tại chỗ. Sau khi gây án, Tẩn A San bỏ trốn lên rừng, gần bốn tháng sau thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.


Gần đây, vào chiều tối 3/1, bà Lý Lò Dơ và Lý Có Pở, cùng ở bản Tả Phìn, xã Bum Tở, huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu), khi đi lấy bông chít trên rừng về gần đến bản (cách khoảng 1km) đã phát hiện anh Vàng Giò Xá, 32 tuổi (ở cùng bản) đang bị thương rất nặng do bị bắn bằng súng kíp... Hai bà Dơ và Pở đã đưa Vàng Giò Xá về bản, đồng thời hô hào mọi người đưa đi cấp cứu. Nhưng đến khoảng 20 giờ cùng ngày, anh Vàng Giò Xá đã tử vong... Trước khi chết anh Xá nói lại, đã bị Pờ Xá Xẻ, 42 tuổi (người cùng bản) bắn nhầm. Xẻ đã mang theo súng kíp bỏ trốn lên rừng.


Nhận định tính chất nguy hiểm và hậu quả phức tạp về an ninh trật tự (ANTT) do súng kíp gây ra, từ năm 2005, Công an tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07 về mở cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đang tàng trữ, sử dụng trái phép.


Chỉ thị này có phương châm giáo dục, thuyết phục, hạn chế áp dụng biện pháp cưỡng chế. Bước đầu là khảo sát, nắm chắc tình hình sử dụng vũ khí, súng săn các loại; tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người có uy tín, tiếp cận một số già làng, trưởng bản, người cao tuổi, người đã sử dụng súng săn lâu đời để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, có phương pháp thuyết phục cho phù hợp, sau đó mới vận động các đối tượng còn lại.


Sau 7 năm thực hiện kiên trì, sáng tạo, đến cuối tháng 9/2012, Lai Châu đã vận động nhân dân tự giác giao nộp cho chính quyền gần 30.000 khẩu súng các loại, gần 70 nòng súng tự chế, 15 quả lựu đạn, hơn 2.300 viên đạn các loại, hơn 140 kíp mìn, gần 8.000 bẫy thú rừng. Riêng năm 2012 và quý I/2013, lực lượng Công an Lai Châu đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành chức năng vận động nhân dân thu nộp hơn 1.200 khẩu súng kíp, gần 40 nòng súng các loại và gần 60 bộ xung điện đánh bắt cá... "trôi nổi" trong cộng đồng dân cư.


Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết: Cuộc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (đặc biệt là thu nộp súng kíp) trong thời gian qua ở Lai Châu đã làm thay đổi được nhận thức của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số... Người dân đã thấy được tác hại, hậu quả mà chúng gây ra, từ đó đã hạn chế được tác hại của việc sử dụng súng săn, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội (ANCT – TTATXH); bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, giữ bình yên hạnh phúc cho mọi gia đình.


Thời gian tới, Lai Châu sẽ kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp sử dụng vũ khí trái với các quy định của pháp luật; đồng thời đẩy mạnh phong trào tự quản ở thôn bản, xã, phường, thị trấn, nêu cao trách nhiệm của các đơn vị cơ sở trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý đối với những người vi phạm thuộc địa phương mình quản lý theo quy định của Nhà nước; tăng cường phối hợp với các xã giáp ranh thuộc tỉnh bạn để phát hiện, xử lý những người vi phạm có liên quan đến tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.


Là cơ quan tham mưu, Công an Lai Châu sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan, thường xuyên tăng cường kiểm tra đối với công tác đăng ký, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ở các cấp, các ngành; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, thu nộp triệt để các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ... đang trôi nổi hoặc được tàng trữ sử dụng trái phép, đảm bảo không để tình trạng sử dụng các loại vũ khí, đặc biệt là súng kíp như trong những năm vừa qua.


Là tỉnh vùng núi cao, biên giới, Lai Châu có đa số dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Việc sử dụng súng kíp tồn tại trong đời sống nhân dân như một tập quán. Khẩu súng kíp theo chân người dân lên nương rẫy đuổi thú dữ, bảo vệ hoa màu. Trong đời sống tâm linh, súng kíp còn được sử dụng trong đám tang, đám cưới, lễ hội, ngày Tết. Đã là trai bản thì hầu như ai cũng phải biết làm một khẩu súng để “bảo vệ gia đình”. Súng kíp không chỉ là vật dụng đi săn, còn là vật gia truyền “cha truyền con nối”. Có những cây súng kíp lâu năm, được làm và trang trí từ loại gỗ, kim loại quý, được đồng bào coi như “báu vật của gia đình”… Nhưng cũng chính từ thói quen sử dụng súng kíp của đồng bào một số dân tộc thiểu số, đã gây ra nhiều vụ việc đau lòng, đặc biệt một số đối tượng đã lợi dụng sử dụng súng kíp gây án...


Nguyễn Công Hải

Việt Nam ủng hộ cơ chế kiểm soát buôn bán vũ khí
Việt Nam ủng hộ cơ chế kiểm soát buôn bán vũ khí

Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ, khẳng định Việt Nam chia sẻ những quan ngại về hậu quả nặng nề do tình trạng buôn bán vũ khí trái phép quốc gia gây ra đối với hòa bình, an ninh, phát triển và cuộc sống con người trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN