Dịch bệnh lợn tai xanh đang lan nhanh tại các tỉnh như Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là địa bàn tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm của những địa phương này. Do đó, TP.HCM đang quyết liệt kiểm soát chặt chẽ nguồn thịt từ các nơi được đưa về thành phố tiêu thụ.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn thịt lợn từ các vùng lân cận vào TP Hồ Chí Minh. |
Theo thống kê của Cục Thú y, cả nước còn 5 tỉnh là Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Sóc Trăng và Quảng Nam dịch bệnh lợn tai xanh vẫn chưa qua 21 ngày. Tại Tây Ninh, dịch lợn tai xanh đã lan ra 11 xã của ba huyện. Còn tại tỉnh Long An có 8 xã ở huyện Châu Thành với gần 3.300 con lợn bị bệnh. Ông Phạm Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM có 567 hộ tạm cư nuôi lợn với hơn 47.200 con, tập trung tại các quận, huyện như: Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, quận 12… Đây là vùng lợn có nguy cơ bị mắc bệnh tai xanh nhiều nhất do điều kiện chăn nuôi của người dân nhập cư tạm bợ, vệ sinh kém, không quan tâm đến tiêm phòng đầy đủ... Nếu công tác phòng chống dịch ở vùng lân cận không được siết chặt thì khả năng thịt bệnh tuồn vào thành phố là khó tránh khỏi và nguy cơ lây bệnh sang đàn lợn của thành phố cũng rất lớn.
Việc kiểm soát các đối tượng đầu nậu chuyên chở lợn vào thành phố tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thủ đoạn qua mặt các cơ quan chức năng của những đối tượng này ngày càng tinh vi. Thông tin từ Chi cục Thú y cũng cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, Chi cục đã bắt quả tang một xe vận chuyển 7 con lợn sống và hơn 20 kg thịt lợn mắc bệnh tai xanh đưa vào tiêu thụ trong thành phố.
Trước khả năng thịt lợn bệnh có thể tuồn vào thành phố, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh TP.HCM đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc trên địa bàn; đồng thời xử lý triệt để tình trạng xuất, vận chuyển gia súc bệnh, giết mổ trái phép trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là những hộ dân chăn nuôi về công tác phòng chống dịch; đồng thời, kêu gọi người dân không mua thịt lợn không có dấu kiểm dịch, không “bán chạy” heo mắc bệnh, không tự vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác lợn nghi mắc bệnh bừa bãi.
Bài và ảnh: Đan Phương