"Khát" giữa bốn bề sông nước

Nằm dọc dòng sông Gianh, nhưng hàng chục năm qua, hơn 3.000 hộ dân các xã vùng nam huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình rơi vào tình trạng khốn đốn vì không có nước sạch để sinh hoạt. Bao nhiêu lần người dân bỏ tiền ra đào giếng thì bấy nhiêu lần chỉ nhận được vị mặn của sông nước. Bất lực với việc tìm kiếm nguồn nước ngọt sạch, người dân đành bỏ tiền ra để mua nước sạch về sử dụng, mà giá nước cũng tăng lên từng ngày, đến nay giá mỗi khối nước đã lên đến 100.000 đồng.


Vùng đất cồn bãi các xã vùng nam Quảng Trạch như Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Minh, Quảng Tiên... nằm giữa bốn bề sông nước, mùa mưa lũ tháng 8 đến tháng 10 thì nước ngập tận nóc nhà nhưng khi dòng nước lũ vừa rút thì cảnh không có nước sinh hoạt để dùng lại tái diễn.


Băng qua cây cầu gỗ chông chênh là vào làng Cồn Sẽ, xã Quảng Lộc, làng nằm trên gò nổi của dòng sông Gianh với bốn bề đều là nước. Từ ngày thành lập làng đến nay bao nhiêu lâu rồi chẳng ai nhớ rõ nhưng chừng ấy thời gian người dân Cồn Sẽ phải đi tìm nguồn nước ở ngoài làng để sử dụng. Người già trong làng kể lại, ngày xưa, muốn lấy nước ngọt về dùng, người dân phải đi hàng mấy cây số để gánh nước. Ngày trước là thế, nay cũng không khá hơn là bao nhiêu.


Ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẽ cho biết: Toàn thôn có hơn 670 hộ dân với trên 3.500 khẩu, các hộ gia đình chủ yếu theo nghề biển. Và hộ nào cũng phải mua nước sạch để dùng trong sinh hoạt, ăn uống. Hàng tháng, mỗi hộ dân mua từ 3 đến 5 khối nước, giá mỗi khối dao động từ 70.000 - 100.000 đồng. Người dân khi mua nước cũng không rõ nguồn gốc và chất lượng của nước mình mua, chỉ biết rằng nước được các chủ thuyền chở từ các núi đá tận đầu nguồn về cung cấp theo đơn đặt hàng của người dân. Có khi cần nước cũng không thể mua được.


Làng cũng đã nhiều lần tổ chức đào giếng nhưng nước vừa rịn ra thì vị mặn chát lại ập đến. Hết đào giếng người dân chuyển sang khoan, hy vọng khoan sâu xuống sẽ có nguồn nước ngọt nhưng khoan mãi không những là vị mặn chát và còn gặp phải đá giàn.


Rời Cồn Sẽ, chúng tôi về xã Quảng Hải, một trong những xã có 100% hộ dân phải mua nước quanh năm. Xã Quảng Hải không nhiều dân cư, cả xã chỉ có hơn 600 hộ dân với khoảng 3.000 khẩu sống dọc bờ sông Gianh và chủ yếu làm nông nghiệp. Người dân thu nhập bình quân hàng tháng chưa tới 400.000 đồng nhưng riêng tiền mua nước đã vượt lên trên khoản thu nhập của họ.


Khi mùa lũ vừa đi qua, giá nước từ 30.000 - 40.000 đồng/khối, sau tăng lên 70.000 đồng/khối và bây giờ tăng lên với giá 100.000 đồng/khối. Với các hộ gia đình sống xa bờ sông thì giá tiền nước cũng tăng lên theo vị trí nhà ở so với bờ sông.


Ông Cao Xuân Ngọc, Phó Chủ tịch xã Quảng Hải cho biết: Hàng năm, ngoài hai tháng mưa lũ ngập trắng cả xã thì 10 tháng còn lại hộ gia đình nào cũng phải mua nước để sử dụng, sinh hoạt. Hầu hết các hộ dân đều có bồn chứa nhưng chỉ chứa được khoảng 3 khối nước và nếu dùng tiết kiệm cũng chỉ được hơn 1 tháng, còn lại là phải đi mua. Nếu tính theo giá bình quân như hiện nay là 80.000 đồng/khối nước thì trong 10 tháng, toàn xã Quảng Hải phải tiêu tốn trên 1 tỷ đồng để mua nước sinh hoạt.


Việc thiếu nước này không chỉ ngày một ngày hai mà kéo dài từ trước tới nay và ở hầu hết tất cả các xã vùng nam Quảng Trạch. Người dân chỉ ước làm sao có dự án cung cấp nguồn nước sạch đến từng hộ gia đình để tránh cảnh phải ngậm ngùi bỏ số tiền quá lớn so với thu nhập đi mua nước sinh hoạt.


Ba năm trước, mong ước đó của người dân như được nhen nhóm khi UBND huyện Quảng Trạch thông báo về dự án cấp nước sinh hoạt huyện Quảng Trạch với tổng số vốn đầu tư 11 triệu euro từ nguồn vốn tài trợ ODA của Hunggari đã được khởi động. Theo kế hoạch thì đến năm 2013 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đến lúc đó việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở huyện Quảng Trạch, nhất là các xã vùng cồn bãi ven sông Gianh mới được ổn định.


Nhưng đã giữa năm 2012 mà dự án vẫn chưa thực hiện xong phần giải phóng mặt bằng, để dẫn đường ống nước từ hồ về khu nhà máy lọc nước.


Đức Thọ - Hà Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN