Khai thác vàng trái phép tại rừng phòng hộ ở Nam Đông

Ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa đi kiểm tra thực địa tình trạng đào hầm khai thác vàng trái phép tại diện tích rừng phòng hộ ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông quản lý.

Vị trí xảy ra khai thác vàng trái phép nằm ở tiểu khu 393 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông. Đoàn công tác gồm lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Nam Đông và Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông phải mất gần 6 giờ băng rừng mới tiếp cận được hiện trường do vị trí đào bới nằm sâu trong rừng, địa hình hiểm trở.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ cho biết, tại thời điểm kiểm tra, nhiều loại máy móc khai thác vàng đã được tháo dỡ một phần. Hệ thống lán trại và những vật dụng sinh hoạt hàng ngày vẫn còn nguyên cho thấy các đối tượng “vàng tặc” mới di chuyển, bỏ trốn vào trong rừng.

Theo phản ánh của nhân dân, nhóm đào vàng trái phép này có khoảng 30 người, trong đó phần lớn đến từ địa phương khác.

Tại hiện trường, Đoàn công tác xác định có 3 vị trí đào bới tìm vàng, cách nhau từ 1 - 2 km, quy mô hầm hào khá rộng lớn. Với hệ thống hầm hào này có thể thấy các đối tượng khai thác vàng đã “lén lút” hoạt động từ hơn một năm, trong đó từ đầu năm 2021 đến nay, quy mô hoạt động của “vàng tặc” diễn ra sôi động nhất.

Sau khi ghi nhận hiện trường, Đoàn công tác đã cho phá hủy hệ thống lán trại và máy móc mà “vàng tặc” để lại.

Theo tính toán tại hiện trường của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, nếu đánh sập hệ thống hầm hào này phải huy động khoảng 5 - 7 tấn thuốc nổ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông Lê Thanh Hồ, địa phương sẽ họp làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc để xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép thời gian dài mà chậm bị phát hiện, xử lý. Về lâu dài, huyện Nam Đông sẽ chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông với tư cách là chủ rừng kiểm tra chặt chẽ hơn người vào khu vực tiểu khu 393. UBND xã Thượng Quảng phối hợp với chủ rừng có kế hoạch tuần tra, truy quét các đối tượng “vàng tặc”, ít nhất 1 lần/tuần.

Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Sau khi đi thực tế tại hiện trường, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan lên phương án thành lập chốt liên ngành để đẩy đuổi các đối tượng “vàng tặc” ra khỏi rừng.

Theo Trung tá Phan Thắng, việc sử dụng thuốc nổ đánh sập các hầm khai thác vàng không hiệu quả, các đối tượng có thể quay lại khai thác trái phép bất cứ lúc nào. Tại "điểm nóng" về khai thác khoáng sản xảy ra ở huyện A Lưới trước đây, việc kiểm tra nghiêm ngặt ở vòng ngoài đã phát huy hiệu quả.

Đỗ Trưởng (TTXVN)
Giải quyết những vướng mắc để sớm đóng cửa mỏ khai thác đá ở huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế
Giải quyết những vướng mắc để sớm đóng cửa mỏ khai thác đá ở huyện Nam Đông, Thừa Thiên - Huế

Đã hết thời hạn khai thác hơn 5 tháng, các cơ quan chức năng Thừa Thiên – Huế vẫn chưa thể đóng cửa một mỏ khai thác đá ở thôn 5, xã Thượng Long, huyện Nam Đông theo quy định, do liên quan đến việc xử lý khối lượng đá còn tồn trong khu vực mỏ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN