Khai thác, buôn lậu gỗ- càng gần Tết, càng nóng

Một trong những lý do chính khiến diện tích rừng ngày càng suy giảm là hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ và lâm sản trái phép vẫn đang diễn ra ngày càng tinh vi, thậm chí có chiều hướng tăng.

Lo cho những cánh rừng gỗ quý

Thời gian vừa qua, đơn thư của người dân gửi về một số cơ quan báo chí thể hiện bức xúc về tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép đang diễn ra ở huyện Phù Yên (Sơn La). Người dân lo ngại nếu tình hình này tiếp diễn thì chỉ vài năm nữa, rừng Phù Yên sẽ bị phá trụi. Đây là nỗi lo của không riêng người dân Sơn La. Thực tế, những khu rừng pơ mu giàu có nổi tiếng của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã và đang cạn kiệt. Hiện nay, nơi này đã trở thành một trong những khu vực trung chuyển gỗ trái phép giữa và vùng giáp ranh Sơn La.

Một xe ô tô chở gỗ lậu vừa bị thu giữ ở huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thế Lập -TTXVN


Từ đầu năm tới nay, ở khu vực các tỉnh phía Bắc bị phát hiện đã có 343 vụ khai thác lâm sản trái pháp luật. Thông tin từ Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các đối tượng lâm tặc sử dụng phương tiện khai thác gỗ trái pháp luật bằng cưa máy nên rất cơ động, tốc độ khai thác gỗ và tàn phá rừng nhanh.

Theo ông Đỗ Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Cục Kiểm lâm), tình trạng khai thác gỗ, lâm sản tập trung chủ yếu tại những khu vực còn nhiều rừng tự nhiên và còn nhiều gỗ có giá trị thương mại cao, các khu bảo tồn, vườn quốc gia trên địa bàn các tỉnh: Điện Biên (Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé), Bắc Kạn (Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và Vườn quốc gia Ba Bể) và Lạng Sơn (Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên). Tại các khu vực thuộc diện tích rừng bị thu hồi, các khu vực chấp thuận chủ trương cho chuyển đổi cải tạo rừng, các khu vực đang tận thu lâm sản, nơi có gỗ tốt, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, huyện, tình trạng khai thác trái pháp luật gỗ, lâm sản cũng diễn ra khá phức tạp.

Tăng vi phạm, thủ đoạn tinh vi

Trong 9 tháng đầu năm 2011, đã có 2.353 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật tại khu vực phía Bắc bị phát hiện. Nghiêm trọng hơn, tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, có tới 8.859 vụ vi phạm bị phát hiện, tăng 347% so với cùng kỳ năm 2010. Ở đây có hiện tượng một số xưởng chế biến gỗ đặt gần rừng, không theo quy hoạch, không gắn với nguồn nguyên liệu ổn định, đồng thời lại không được kiểm tra thường xuyên. Do đó, chính các xưởng này đã trở thành tụ điểm tiêu thụ gỗ bất hợp pháp.

Tình trạng mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp. “Khối lượng lâm sản bị vận chuyển trái pháp luật từng chuyến không nhiều nhưng chủ yếu là các loại gỗ đã được cưa thành thớt, gốc cây..., là các loại gỗ quý, hiếm có giá trị cao. Đối tượng lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về xuất khẩu hóa hàng nông, lâm sản để đưa gỗ (chủ yếu thớt nghiến) độn dưới các hàng hóa khác, vận chuyển qua biên giới”, ông Đỗ Thanh Hải cho biết.

Chuỗi hành vi vi phạm từ khai thác, vận chuyển đến chế biến thường được các “đầu nậu” tổ chức chặt chẽ. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi trong khâu vận chuyển như: Thường xuyên thay đổi thời gian, phương thức, phương tiện vận chuyển; sử dụng giấy tờ hợp pháp để quay vòng nhiều lần, làm giả con dấu của ngành kiểm lâm; lợi dụng mực nước sông, suối lớn trong mùa mưa để vận chuyển gỗ trái pháp luật.

Nhiều cán bộ kiểm lâm lo ngại, kinh nghiệm nhiều năm cho thấy nạn khai thác, vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép ngày càng phức tạp và tăng, nhất là thời gian gần Tết. Bởi lâm tặc có sự tiếp tay của một bộ phận cư dân gần rừng, tham gia làm cửu vạn cho chúng và cuối năm thường là dịp xong mùa màng, chuẩn bị Tết, đồng bào có tâm lý muốn có thêm thu nhập nên nguy cơ dân tiếp tay cho lâm tặc càng cao.

Nhức nhối chuyện dân tiếp tay cho lâm tặc

Theo ông Đỗ Thanh Hải, đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật chủ yếu là người dân địa phương được sự hỗ trợ của các đầu nậu buôn bán gỗ.

Bên cạnh đó, vì mưu sinh, một số người dân các xã giáp ranh với những huyện nhiều rừng vẫn ngầm làm “cửu vạn”- một nghề tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vận chuyển lâm sản trái phép, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết: “Đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao gắn với sản xuất lâm nghiệp còn khó khăn do chính sách đầu tư về khoán bảo vệ rừng của tỉnh hiện nay còn rất thấp, đơn giá chỉ 100.000 đồng/ha nhận khoán”.

Để giảm nạn phá rừng, tiến tới ngăn chặn nạn phá rừng, cùng với chính quyền, lực lượng kiểm lâm và những lực lượng liên quan càng ngày càng cần phải quan tâm để giúp người dân địa phương phát triển kinh tế. “Bảo vệ rừng hiện nay không chỉ đơn thuần là việc canh giữ các trạm, chốt bảo vệ rừng. Cán bộ kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn, ngoài kiến thức chung còn phải trau dồi thêm về nghiệp vụ bảo vệ rừng, về dân vận, về nghiệp vụ khuyến lâm, phát triển lâm nghiệp xã hội”, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Đỗ Trọng Kim nhấn mạnh.

Tăng quyền cho kiểm lâm

Chất lượng rừng suy giảm, hiện tượng khai thác, mua, bán gỗ và lâm sản trái phép ngày càng diễn biến tinh vi, phức tạp; còn các địa phương có diện tích rừng lớn đều “than” thiếu nhân lực trầm trọng, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Hữu Dũng (ảnh) cho biết Cục đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng này. Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc tăng thêm biên chế cho lực lượng kiểm lâm nhằm đảm bảo các hoạt động trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Thưa Cục trưởng, hiện tượng khai thác, mua bán và vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Hiện nay, tình hình mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, nguyên nhân chủ yếu là do tại các khu vực trọng điểm về phá rừng, chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý bảo vệ rừng; việc bảo vệ rừng chủ yếu giao cho lực lượng kiểm lâm và chủ rừng thực hiện, chưa được sự chỉ đạo đồng bộ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, hầu hết các chủ rừng hiện nay chưa đủ năng lực bảo vệ rừng được giao; cơ chế trách nhiệm chưa rõ ràng, nên một số chủ rừng còn có biểu hiện buông xuôi, thiếu trách nhiệm.

Trong khi đó, một số chính sách quản lý bảo vệ rừng hiện nay còn có những bất cập, không tránh khỏi một số trường hợp lợi dụng để vận chuyển, chế biến, buôn bán gỗ, lâm sản trái pháp luật. Công tác quản lý các cơ sở chế biến, mua, bán gỗ hiện nay ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả. Cụ thể là việc cấp phép cho các cơ sở chế biến gỗ không gắn với nguồn nguyên liệu, thiếu quy hoạch. Trong khi đó, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng lại chưa được thường xuyên, quyết liệt. Do vậy, thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng buôn bán, chế biến gỗ bất hợp pháp.

Hiện có nhiều ý kiến lo ngại từ nay đến Tết, tình trạng trên còn diễn ra căng thẳng hơn. Vậy Cục Kiểm lâm đã và đang triển khai những biện pháp gì?

Cục Kiểm lâm đã và đang tăng cường nhiều biện pháp để giảm tình trạng chặt phá rừng. Cụ thể: Tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1685/CT-TTg về Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; Quyết định về một số chính sách và giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư thay thế Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN hướng dẫn thủ tục hồ sơ vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản; Quy chế quản lý xuất nhập khẩu cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ.

Bên cạnh đó, chỉ đạo lực lượng kiểm lâm toàn quốc chủ trì, tích cực phối hợp với các lực lượng công an, quân đội trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hoạt động khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng kiểm lâm theo hướng giảm các hoạt động kiểm soát lưu thông để tăng cường lực lượng cho cơ sở, bảo vệ rừng tận gốc và kiểm soát chặt chẽ lâm sản tại nơi chế biến, tiêu thụ.

Những vùng còn nhiều diện tích rừng lại đang chủ yếu rơi vào các huyện vùng cao. Hiện nay, nhiều Chi cục Kiểm lâm đang kêu lực lượng rất mỏng. Có tăng cường gì riêng cho vấn đề nhân lực không, thưa ông?

Trước tình hình quản lý bảo vệ rừng hiện nay, tại văn bản số 325/TB-VPCP ngày 11/11/2009 của Văn phòng Chính thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, nêu rõ: “Đồng ý về nguyên tắc tăng biên chế kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Bộ Nội vụ để xây dựng đề án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã giao cho Cục Kiểm lâm xây dựng Đề án tăng cường biên chế để đảm bảo hoạt động của kiểm lâm, đến năm 2015 đảm bảo biên chế kiểm lâm theo tiêu chí 1.000 ha rừng/1 biên chế kiểm lâm (riêng rừng đặc dụng 500 ha rừng/1 biên chế kiểm lâm). Số biên chế tăng thêm chủ yếu được tăng cường trực tiếp về cơ sở làm nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng; đến năm 2015, đảm bảo các xã có rừng đều có kiểm lâm địa bàn để thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với việc đề nghị bổ sung biên chế, Cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Bộ phê duyệt Đề án đào tạo nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ công chức kiểm lâm và chủ rừng, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

Mạnh Minh thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN