Hiểm nguy nghề phu đá

Dưới chân núi Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nghề khai thác đá đang khiến nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, tại đây hàng ngàn phu đá ngày ngày phải đối mặt với nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và bệnh tật.

Người và xe máy ung dung khai thác, kéo đá từ trên núi xuống. Ảnh: Viết Ý - TTXVN


Từng tảng đá lớn sau khi nổ mìn khai thác ở núi Hòn Sóc được xe ben vận chuyển về tập kết ở các bãi xẻ đá dọc theo con lộ từ thị trấn Hòn Đất chạy vào Hòn Sóc. Công việc đầu tiên của người phu đá là căng dây nẻ mực theo đúng kích thước để đục đá thành mảnh, sau đó xẻ ra từng thanh đá. Từng nhát búa nhịp nhàng bổ xuống đầu cây đục sắt theo hàng chỉ mực từ từ ăn sâu vào những thớ đá xanh, tách thành từng thanh dài đúng với kích thước đã đo ban đầu.

Ông Trần Thanh Tuấn, một phu đá hơn 15 năm làm nghề ở ấp Bến Đá, xã Thổ Sơn (Hòn Đất) cho biết: Đục xẻ đá ăn theo sản phẩm, bình quân chủ bãi đá trả công 6.000 đồng/m thanh đá có cạnh vuông 15 cm hoặc 20 cm. Nghề này suốt ngày “bán mặt cho đá, bán lưng cho trời” và luôn hít thở bụi đá, thậm chí còn bị cả đá dăm văng vào mắt, nhưng cũng phải ráng làm, bởi bỏ nghề thì lấy gì sống. Người giỏi mỗi ngày có thể đục được 50 m, kiếm được 300.000 đồng, còn thường thì trên dưới 200.000 đồng. Trong khi đó, mỗi mét thanh đá, chủ bãi bán ra thị trường từ 50.000 - 70.000 đồng tùy từng thời điểm.

Phần lớn những phu đá ở đây không có ruộng đất, không tài sản không vốn liếng và làm nghề theo kiểu “cha truyền con nối”. Từ một tảng đá lớn xẻ ra từng thanh đá chẳng dễ chút nào, người thợ phải đổ mồ hôi, có khi búa đập vào tay bật máu tươi, làm quá sức ngã bệnh. Đục xẻ đá là một công việc nặng nhọc và nguy hiểm nhưng người phu đá chủ yếu dùng sức lực của mình là chính, không hề có dụng cụ bảo hộ lao động, không được chủ mua bảo hiểm. Nhiều phu đá nói rằng, ngày nào còn đục xẻ đá thì có tiền, ngưng nhát búa là tiền khô cháy túi...

Phu đá Trương Văn Rí ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có thâm niên hơn 30 năm trong nghề nói: “Làm ngày nào trang trải cuộc sống gia đình ngày đó, nhưng vẫn thiếu trước, hụt sau. Do hít thở bụi đá hàng ngày, tôi bị bệnh phổi mà không có tiền điều trị, chẳng biết đổ bệnh nặng lúc nào, lo vậy nhưng cũng chẳng biết làm thế nào”.

Những người thợ đá ở Hòn Sóc không thể quên nhiều vụ tai nạn thương tâm ập xuống như là một bài học đầy máu và nước mắt luôn nhắc nhở họ trong đời phu đá. Cụ thể là ngày 14/10/2010, ông Trịnh Phúc ở ấp Bến Đá bị đá đè chết tại mỏ Chín Hải; tháng 3/2010, ông Đặng Đồng Khởi ở ấp Bến Đá thiệt mạng trong khi khai thác đá; tháng 5/2010, ông Nguyễn Văn Quy ở ấp Hòn Sóc bị băng chuyền tải đá nghiến mất một cánh tay. Theo UBND xã Thổ Sơn, từ năm 2005 đến nay, tại các mỏ đá quanh chân núi Hòn Sóc, hầu như năm nào cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người.

Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, hiện nay dưới chân núi Hòn Sóc có 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá, trữ lượng cho phép khai thác hơn 25 triệu m³, đó còn chưa kể tới hơn chục bãi đá mà người dân khai thác tự phát. Việc đảm bảo an toàn cho lao động ở các mỏ đá rất kém. Mặc dù các cơ quan hữu trách của tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra doanh nghiệp về an toàn lao động, yêu cầu phu đá sử dụng bảo hộ lao động để tự bảo vệ tính mạng nhưng những người phu đá ở Hòn Sóc vẫn “vô tư” với nón vải, chân trần đá núi để đổi lấy chén cơm, manh áo.

Lê Huy Hải

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN