Hầu hết phụ nữ bị bạo hành không báo cho cơ quan trợ giúp pháp lý

Thông tin trên được đưa ra tại “Diễn đàn đối thoại chính sách lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật: vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bảo vệ quyền của phụ nữ” do Cơ quan của Liên hợp quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) và Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (22/9).

Một nghiên cứu của UNODC tiến hành với 900 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình tại 9 tỉnh, thành trên cả nước cho thấy có tới 77% vụ bạo lực gia đình không được thông báo cho các cán bộ trợ giúp pháp lý. Chỉ có 8% số vụ việc được các cán bộ trợ giúp pháp lý biết đến. Trong số đó, các phụ nữ ly thân và ly hôn trình báo nhiều hơn phụ nữ đang có chồng. Có 15% phụ nữ được hỏi không biết hoặc không nhớ vụ việc của mình có được cán bộ tư pháp biết đến hay không, chiếm đa số là phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ có trình độ học vấn thấp.

Lý do chính của tình trạng phụ nữ không trình báo hoặc không kể với người khác về việc mình bị bạo lực gia đình là các nạn nhân quan niệm bạo hành là chuyện nội bộ gia đình, phải tự mình giải quyết. Có 30% ý kiến không muốn ai biết. Bà Daria Hagemann, chuyên gia của UNODC cho rằng vì muốn duy trì hình ảnh một gia đình hạnh phúc mà nhiều chị em không muốn nói mình bị bạo hành. Nhưng bạo lực sẽ không dừng lại, thậm chí tồi tệ hơn, nếu các nạn nhân không lên tiếng.

Một trong những nguyên nhân khiến các chị em chưa tiếp cận đến các cơ quan trợ giúp pháp lý, theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, là do vẫn thiếu cán bộ làm công tác này ở cơ sở cũng như hiểu biết của đội ngũ này về vấn đề bình đẳng giới.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN