Theo đó, 7 trường hợp vi phạm có tổng diện tích đất phải thu hồi là 1.897.943,9 m2. Ngoài ra, Hải Phòng còn có 206 trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về đất đai sẽ bị kiểm tra.
Việc thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai là chủ trương của thành phố Hải Phòng. Việc làm này sẽ giải quyết được tình trạng lãng phí quỹ đất do doanh nghiệp “đánh trống, ghi tên” nhưng không khai thác hiệu quả. Tuy nhiên thực tế, công tác thu hồi gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo đánh giá của UBND thành phố Hải Phòng, khó khăn thứ nhất là từ phía các trường hợp được giao quyền sử dụng đất.
Khi bị kiểm tra, các trường hợp này không phối hợp cung cấp hồ sơ hiện trạng sử dụng đất, không cử đúng thành phần tham gia các cuộc kiểm tra, không ký biên bản tham gia. Bên cạnh đó, chủ đầu tư một số dự án còn nhu cầu sử dụng đất nhưng năng lực thực hiện dự án hạn chế, đang kêu gọi sự hợp tác đầu tư từ các doanh nghiệp khác, nếu phải thu hồi đất gây khó khăn lớn cho nhà đầu tư.
Nhiều trường hợp, chủ đầu tư không sinh sống, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp đã đổi tên, giải thể nhưng không báo cáo với cơ quan chức năng để theo dõi, quản lý, dẫn đến tình trạng không liên lạc được với doanh nghiệp.
Ngoài ra, công tác thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai còn gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách. Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ có hiệu lực ngày 3/3/2017 quy định cụ thể về điều kiện thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai. Theo đó, trường hợp đến thời điểm kiểm tra, thanh tra mới xác định hành vi không đưa đất vào sử dụng liên tục trong 12 tháng hoặc chậm tiến độ 24 tháng, người sử dụng đất có văn bản đề nghị, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định gia hạn sử dụng đất. Như vậy, việc thu hồi sẽ bị kéo dài thời gian thực hiện hơn so với quy định tại Nghị quyết 06/2016/NQ-HDND ngày 29/3/2016 của HĐND thành phố Hải Phòng về thu hồi đất vi phạm Luật Đất đai.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Phạm Văn Hà cho biết, năm 2018, thành phố yêu cầu các sở, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với địa phương, đơn vị liên quan để triển khai thu hồi đất hiệu quả; chỉ đạo việc kiểm tra, xác định hành vi vi phạm của các tổ chức sử dụng đất, kiên quyết xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm pháp luật đã xử phạt nhưng không khắc phục và tiếp tục vi phạm. Bên cạnh đó, thành phố ban hành quyết định thu hồi đất đối với các tổ chức vi phạm Khoản 1, điều 64 Luật Đất đai, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; ban hành văn bản dừng thực hiện, thu hồi, hủy bỏ giá trị pháp lý đối với những dự án chậm thực hiện các thủ tục về đất hoặc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và các tổ chức trong khu vực...