Hà Nội: Xét xử vụ sập giàn giáo làm 4 người tử vong

Sau 3 ngày Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử 3 bị cáo trong vụ sập giàn giáo làm 4 người chết ở công trình 16A Nguyễn Công Trứ (Hà Nội), chiều 28/6, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên tòa.

Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án đối với các bị cáo: Nguyễn Nhật Lộc (sinh năm 1980, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) từ 7 năm 6 tháng tù đến 8 năm tù; Đường Văn Kiểm (sinh năm 1988, trú tại xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từ 6 năm 6 tháng tù đến 7 năm tù; Phạm Văn Chiến (sinh năm 1996, trú tại xã Thành Công, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) từ 7 năm tù đến 7 năm 6 tháng tù về cùng tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” theo quy định tại Điều 295, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Bản luận tội nêu rõ, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn lao động, dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng cho người lao động. Do đó, việc áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc đối với các bị cáo là cần thiết để có tính giáo dục riêng và phòng ngừa chung.

Theo cáo trạng, khoảng 20 giờ ngày 30/7/2020 tại công trình xây dựng số 16A Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, xảy ra vụ tai nạn lao động, làm 3 người bị tử vong tại chỗ, một người được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện và sau đó tử vong. Đây là những người được thuê lao động thời vụ, dọn vệ sinh tại công trình này.

Công trình 16A Nguyễn Công Trứ xây dựng dự án tòa nhà Văn phòng do Công ty cổ phần du lịch thương mại và đầu tư là chủ đầu tư công trình.

Ngày 30/7/2020, anh Trương Xuân Trung (Trưởng phòng Kỹ thuật xây dựng, Công ty An Nam) cử Nguyễn Nhật Lộc là nhân viên kỹ thuật đến công trình 16A Nguyễn Công Trứ sắp xếp công việc chuyển vật tư (là các tấm vách ngăn bằng nhựa để lắp đặt vào khu vệ sinh). Lộc khảo sát và thấy chỉ có thể chuyển vật tư từ tầng 1 lên sàn tầng 7 nên đã nhờ các mối quan hệ để liên hệ với Đường Văn Kiểm và Phạm Văn Chiến (nhân viên của Công ty E.W tại công trường) để mượn Gondola (giàn giáo treo) vận chuyển vật tư. Kiểm và Chiến không trực tiếp điều khiển Gondola mà hướng dẫn nhóm người lao động thời vụ dọn vệ sinh điều khiển thiết bị này. Quá trình vận hành, khi Gondola lên đến tầng 7 thì bị gẫy ở đoạn giữa Gondola khiến vật tư cùng 4 người rơi xuống tầng 1. Ba người bị tử vong tại chỗ còn một người được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và bị tử vong sau đó.

Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định 3 bị cáo: Nguyễn Nhật Lộc, Đường Văn Kiểm và Phạm Văn Chiến có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, gây ra vụ tai nạn lao động thương tâm làm 4 người tử vong như trên.

Tin, ảnh: Kim Anh (TTXVN)
Luật sư không đồng tình về việc xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành
Luật sư không đồng tình về việc xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) bày tỏ sự không đồng tình trước thông tin ngày 21/7 tới, Tòa án nhân dân Thành phố (TP) Hồ Chí Minh sẽ xử kín vụ bé N.T.V.A 8 tuổi bị cha ruột và "dì ghẻ" đánh đến tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN