Sáng 26/6, tại Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các đại biểu tham dự đã nhận thức rõ trách nhiệm của từng cấp trong công tác quản lý trật tự xây dựng và tập trung bàn thảo để nỗ lực “dẹp” công trình xây dựng sai phép.
Tái phát nạn xây dựng sai phép
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 1.700 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có 1.104 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 65% số vi phạm.
Các huyện để xảy ra nhiều vụ vi phạm là Quốc Oai (382 trường hợp), Sóc Sơn (290 trường hợp), Từ Liêm (151 trường hợp) và Thanh Trì (135 trường hợp). Trong số gần 600 vụ vi phạm còn lại chủ yếu là xây dựng không phép, sai phép tại các quận nội thành.
Một số vụ vi phạm lớn xảy ra gần đây là trường hợp công trình số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm xây dựng tăng 4 tầng so với giấy phép và thiết kế được duyệt; công trình xây dựng 5 tầng không phép do Học viện Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và 6 trường hợp ở quận Hai Bà Trưng vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng, gồm các công trình số 19 và số 22 phố Triệu Việt Vương, số 107A và 135-137 phố Bùi Thị Xuân, số 67 và 86 phố Mai Hắc Đế.
Liên quan đến việc xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, đến nay đã tập trung giải quyết xong 203 trường hợp, nhà đất không đủ điều kiện để xây dựng. Còn lại 394 trường hợp, hầu hết các quận, huyện đã thực hiện xong các bước: Phân loại, vận động các hộ gia đình ký cam kết thực hiện hợp khối, hợp thửa hoặc phải thu hồi, nhiều trường hợp đã phê duyệt kiến trúc hợp khối công trình, phê duyệt phương án thu hồi.
Tiếp tay, dung túng sai phạm
Công trình xây dựng sai phép ở 22 Triệu Việt Vương, Hà Nội. |
Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực cho biết, vụ việc xảy ra tại 55A-55B phố Bà Triệu là vụ vi phạm trật tự xây dựng đô thị điển hình. Để rút ra bài học cho các đơn vị liên quan trong việc quản lý trật tự xây dựng, ông Trần Trọng Dực đã “tường thuật” quá trình vi phạm tại công trình này.
Công trình xây dựng tại 55A-55B phố Bà Triệu được chủ đầu tư gồm bà Lê Thanh Thùy Dương, ông Nguyễn Sử Tiến, bà Ngô Thị Duyên và ông Nguyễn Đình Sử làm đơn lên Sở Xây dựng xin phép xây dựng nhà ở kết hợp văn phòng vào đầu tháng 5/2010. Lúc đầu Sở Quy hoạch Kiến trúc có văn bản trả lời không chấp thuận thỏa thuận.
Chủ đầu tư lại tiếp tục gửi tờ trình lên UBND thành phố và Sở Xây dựng tiếp tục xin phép được xây dựng. UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc nghiên cứu. Theo thỏa thuận của Sở Quy hoạch Kiến trúc (đã vận dụng), ngày 21/1/2011, Sở Xây dựng đã cấp Giấy phép số 07/GP-SXD cho phép xây dựng công trình với quy mô: Cao 9 tầng, 3 tầng hầm, kết cấu bê tông cốt thép; tuy nhiên chủ đàu tư lại xây vượt lên 14 tầng, trên nền ngôi biệt thự kiến trúc kiểu Pháp.
Công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị số 55 A Bà Triệu, Hà Nội. |
Theo kết luận của Đoàn kiểm tra Thành ủy, Sở Xây dựng có dấu hiệu cố ý làm trái trong việc cấp GPXD, không bảo đảm khoảng lùi công trình 6m theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam. UBND quận Hoàn Kiếm, phường Hàng Bài, Thanh tra Xây dựng đã vi phạm quy định về quản lý xây dựng công trình sau cấp phép; buông lỏng quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đô thị, xử lý vi phạm chưa triệt để, thiếu kiên quyết; có biểu hiện dung túng, tiếp tay, hợp thức hóa cho những vi phạm của chủ đầu tư.
Trong khi chưa xử lý dứt điểm sai phạm này thì Sở Văn hóa ,Thể thao và Du lịch đã kiến nghị thành phố cho phép điều chỉnh giấy phép xây dựng để mở rộng công trình làm bảo tàng tư nhân, UBND thành phố cũng giao Sở Xây dựng nghiên cứu mở rộng công trình theo đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo ông Trần Trọng Dực, thay vì xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng lại “bắt tay nhau” hợp thức hóa sai phạm cho chủ đầu tư, buông lỏng quản lý và tiếp tay cho sai phạm.
Nỗ lực sửa sai
Thừa nhận tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô đang diễn ra nghiêm trọng ở cả nội thành và ngoại thành với mức độ và tính chất trầm trọng hơn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, trong thời gian tới, Thành phố sẽ thực hiện 5 giải pháp cơ bản để tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong đó sẽ thực hiện thanh tra công vụ định kỳ và đột xuất, đặc biệt “sẽ xây dựng những chế tài cụ thể đối với lực lượng thanh tra trật tự xây dựng cấp phường và cấp quận, chủ tịch phường, phó chủ tịch phường phụ trách, chủ tịch quận, phó chủ tịch quận phụ trách. Nếu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng thì kiên quyết xử lý đối với cả chủ đầu tư vi phạm và cán bộ buông lỏng quản lý trật tự xây dựng; đối với cán bộ mức nhẹ nhất là thuyên chuyển công tác, nặng hơn là cách chức”, ông Thảo nhấn mạnh.
Đồng ý với những giải pháp của thành phố đề ra nhằm khắc phục tình trạng tái vi phạm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị các cấp, các ngành, trong đó đặc biệt là cấp ủy phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai các quy định của pháp luật về xây dựng cơ bản và quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời tăng cường trách nhiệm cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền, giám sát của nhân dân. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, chính quyền thành phố với cơ sở để tăng cường công tác quản lý, không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới trên địa bàn. “Phải xử lý các trường hợp vi phạm theo thứ tự mức độ; đối với những công trình sai nghiêm trọng phải kiên quyết áp dụng các biện pháp cứng rắn”, đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy cũng mong muốn, ngay sau Hội nghị này, các ngành, các cấp phải tạo ra chuyển biến rõ nét trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, HĐND thành phố coi đây là một trong những chủ đề trọng tâm trong nhiệm vụ giám sát. Bên cạnh đó, MTTQ thành phố và các tổ chức chính trị, xã hội tham gia kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Ban Tuyên giáo Thành ủy có trách nhiệm cung cấp thông tin, chỉ đạo báo chí phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết các vụ việc trên, đồng thời phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của từng tổ chức, công dân trong việc tuân thủ pháp luật.
Thanh Bình