Sau hai ngày xét xử công khai, chiều 30/7, Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, đã tuyên án đối với 6 bị cáo.Bị cáo Đoàn Văn Vươn và bị cáo Đoàn Văn Sịnh đứng hàng đầu (thứ 2 và thứ 4) tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử nghe đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa trình bày quan điểm luận tội. Cơ quan công tố cũng đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của 6 bị cáo, giữ nguyên tội danh và hình phạt như bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khẳng định: Các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh đã bàn bạc, thống nhất dựng hàng rào ngăn cản; dùng súng hoa cải, mìn tự tạo để chống lại đoàn cưỡng chế. Hành vi phạm tội của các bị cáo rất quyết liệt, nguy hiểm; chưa gây hậu quả chết người là ngoài ý muốn của các bị cáo, nhưng đã gây tổn hại nghiêm trọng sức khỏe nhiều người.
Trong vụ án này, bị cáo Đoàn Văn Vươn là chủ mưu; bị cáo Đoàn Văn Quý thực hiện hết sức tích cực; các bị cáo Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ giúp sức tích cực. Hai bị cáo Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương đã tiếp tay, giúp sức cho các bị cáo thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ.
Tranh tụng với đại diện cơ quan công tố tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra quan điểm theo hướng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố hành vi phạm tội của các bị cáo là thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng.
Đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đưa ra căn cứ khẳng định: Các bị cáo đã nhiều lần bàn bạc, lên kế hoạch chuẩn bị mìn tự tạo, súng để tấn công người thi hành công vụ. Đây chính là động cơ, mục đích phạm tội của các bị cáo nhằm chuyển vụ án hành chính dân sự sang vụ án hình sự.
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật và trình bày nguyên nhân phạm tội của mình. Riêng hai bị cáo Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ đã có thái độ ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình; trình bày do nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên đã phạm tội; hiện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân bị cáo Đoàn Văn Sịnh sức khỏe yếu, xin được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trên cơ sở đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ, kết quả điều tra, tình tiết, tính chất vụ án và kết quả thẩm vấn, tranh tụng công khai tại phiên tòa; xem xét quan điểm của viện kiểm sát; quan điểm bào chữa của các luật sư; lời khai của các bị cáo, người bị hại, người làm chứng, kết luận giám định, Hội đồng xét xử khẳng định: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng; có đủ căn cứ kết luận các bị cáo Đoàn Văn Vươn, cùng các bị cáo Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ phạm tội “Giết người”, quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 Bộ luật hình sự; các bị cáo Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương phạm tội “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại khoản 2, Điều 257 Bộ luật hình sự.
Vào lúc 17h cùng ngày, Hội đồng xét xử tuyên án, quyết định giữ nguyên tội danh đối với 6 bị cáo như bản án sơ thẩm. Hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo của các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý; xử phạt mỗi bị cáo 5 năm tù về tội “Giết người”.
Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ; áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt bị cáo Đoàn Văn Sịnh 2 năm 9 tháng tù (giảm 9 tháng tù so với bản án sơ thẩm); Đoàn Văn Vệ 19 tháng tù (giảm 5 tháng tù so với bản án sơ thẩm).
Hội đồng xét xử cũng quyết định bác kháng cáo của các bị cáo Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương; xử phạt Phạm Thị Báu 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Thị Thương 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Phiên tòa phúc thẩm tuân thủ đúng các quy định về trình tự và thủ tục của pháp luật tố tụng hình sự, theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước.
TTXVN/Tin tức