Không kể nắng hay mưa, sớm hay tối, khi đã nhận lệnh từ cấp trên là rẽ sóng ra khơi, kể cả đó là ngày Tết Nguyên đán, đó là tinh thần “sẵn sàng nhận nhiệm vụ” của mỗi chiến sĩ cảnh sát biển đang canh giữ vùng biển đảo quê hương. Trong các nhiệm vụ của cảnh sát biển, công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển là nhiệm vụ không kém phần gian nan, nguy hiểm.
Đại tá Vũ Hoàng Oanh, Chỉ huy phó Vùng cảnh sát biển 1 cho biết: Thực hiện công tác phòng chống buôn lậu trên biển, trong thời gian qua (từ 26/9 đến 28/10), Vùng cảnh sát biển 1 thường xuyên cử một biên đội thực hiện tác chiến đánh án trên biển. Sau một tháng thực hiện chuyên án, Vùng cảnh sát biển 1 đã tiến hành kiểm tra 16 tàu thuyền các loại, xử phạt vi phạm hành chính gần 20 triệu đồng, trong đó đã bắt giữ một tàu nước ngoài chở 475 kg hàng nội tạng gia súc, gia cầm đông lạnh.
Hải phận mà Vùng cảnh sát biển 1 quản lý (từ cửa sông Bắc Luân - Quảng Ninh đến đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị), thời gian qua tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… diễn ra khá phức tạp. Đội trưởng Đội Nghiệp vụ, Thượng úy Phạm Văn Đồng cho biết: Anh em trong đơn vị vừa lập báo cáo và xử lý những công việc “nổi cộm” khi tạm giữ một tàu nước ngoài chở nội tạng gia súc, gia cầm, bàn giao tang vật cho Đội kiểm soát số 1, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng xử lý. Đội cũng đã lai dắt con tàu vi phạm từ khu vực biển Cô Tô (Quảng Ninh) về cảng vụ Hải Phòng. Tàu mang ký hiệu HONGXENG, do thuyền trưởng Hứa Văn Hào, người Đài Loan (Trung Quốc) chở hàng đông lạnh quá hạn sử dụng bị phát hiện và kiểm tra vào lúc 17 giờ ngày 30/9/2010.
Thuật lại chuyên án, Thượng úy Phạm Văn Đồng cho biết: Khi phát hiện đối tượng tại khu vực biển Cô Tô có dấu hiệu khả nghi, biên đội tàu 2008 và 1011 đang tuần tra đã nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và phát tín hiệu kiểm tra hành chính. Lúc này sóng khá to mà trời cũng đã bắt đầu tối, Trung úy Nguyễn Xuân Lâm, cảnh sát viên Đội nghiệp vụ số 1 và đồng đội được lệnh áp sát cơ động sang chiếc tàu khả nghi. Qua kiểm tra đã phát hiện 475 tấn hàng thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch theo quy định. Được biết nguồn thực phẩm này xuất phát từ Hồng Công (Trung Quốc) đang mang về Việt Nam tiêu thụ.
Đây chỉ là một trong số hàng chục lượt tàu mà cán bộ, chiến sĩ đội đặc nhiệm, Vùng cảnh sát biển 1 đã phát hiện và kiểm tra trong đợt cao điểm chống buôn lậu vừa qua. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là nạn vận chuyển than và khoáng sản trái phép trên biển có chiều hướng gia tăng. Công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng cảnh sát biển gặp không ít khó khăn. Thời tiết trên biển diễn biến bất thường, lực lượng mỏng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ còn nhiều hạn chế. Đối tượng vi phạm lợi dụng địa hình, thời tiết và nhiều thủ đoạn kể cả mua chuộc cơ quan chức năng hòng thoát tội. “Đã có lần lực lượng Vùng cảnh sát biển 1 bắt giữ chiếc tàu chở gỗ sưa, trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Chủ hàng đã đề nghị bồi dưỡng 700 triệu đồng để được tha nhưng anh em đã kiên quyết không nhận và đã lập biên bản xử lý” - Đại tá Vũ Hoàng Oanh cho biết.
Trước sự kiểm tra, truy đuổi của các cơ quan chức năng, các đối tượng vi phạm thường dùng những thủ đoạn xảo quyệt và ngoan cố chống đối. Chúng thường chạy tàu không theo lộ trình. Khi bị phát hiện thì giả vờ hỏng máy để xin trợ giúp hoặc bỏ chạy vào khu vực khác. Hàng vi phạm cũng thường được cất giấu rất tinh vi, không ít lần cơ quan chức năng phải mang cả máy dò, máy thu phát hoặc thuốc thử để kiểm tra. Có tàu vi phạm còn đóng gói hàng lậu thả trôi trên biển và kéo theo tàu, nếu bị kiểm tra, chúng cắt dây, thả hàng, sau khi cơ quan chức năng đi, chúng quay lại vớt hàng và tiếp tục hải trình. Nhiều trường hợp, đối tượng còn sử dụng cả vũ khí “nóng” chống trả quyết liệt lực lượng Cảnh sát biển.
Một bất cập nữa hiện nay trong công tác chống buôn lậu trên biển là hệ thống văn bản pháp lý còn chồng chéo. Nhất là các quy định về hóa đơn, chứng từ và mức xử phạt... Đối tượng vi phạm luôn lợi dụng luật pháp chưa chặt chẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thực thi công vụ.
Nguyễn Viết Tôn