Giám đốc Ban Quản lý rừng bán đất rừng

Năm 2003, sau những sai phạm tại Ban Quản lý rừng kinh tế (BQLRKT) Suối Nhung làm 4 cán bộ nguyên là giám đốc và phó giám đốc phải hầu tòa vì để mất hàng trăm hécta rừng, ông Trần Tấn Minh (SN 1958, ngụ ấp Minh Tân, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú) bấy giờ là cán bộ pháp chế của Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú được đề bạt làm giám đốc mới của BQLRKT Suối Nhung.


Vừa lên chức đã bán rừng


Sau khi về làm thủ trưởng của BQLRKT Suối Nhung, tháng 10/2004, ông Minh tham mưu cho UBND tỉnh Bình Phước giao khoán 545ha đất rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu (TK) 363 cho Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (tên viết tắt là SASCO) để quản lý bảo vệ, chăn thả gia súc, gia cầm dưới tán và trồng cây lâm nông công nghiệp. Sau đó, UBND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định lấy lại 200 ha giao lại cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước để làm căn cứ hậu phương. Như vậy, SASCO chỉ còn lại 345ha đất rừng. Tháng 11/2009, dưới sự “tham mưu” của ông Minh, SASCO đã được chuyển đổi mục đích sử dụng 345ha đất rừng trên thành đất trồng cây cao su.


Về pháp lý, 345ha đất rừng trên là do SASCO làm chủ nhưng SASCO đã ký hợp đồng để BQLRKT Suối Nhung chăm sóc, bảo vệ diện đất rừng trên. Với vai trò là người quản lý, Giám đốc Trần Tấn Minh đã ký nhiều hợp đồng dưới nhiều dạng khác nhau nhằm mục đích mua bán, cho tặng.


Ngày 11/12/2009, Trần Tấn Minh đã ký hợp đồng giao khoán cho ông Nguyễn Hữu Tấn – chủ nhiệm HTX Dân Sinh (xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) trồng 10ha đất rừng. Điều khoản của hợp đồng này là BQLRKT Suối Nhung giao 10ha đất (TK 363, phần đất của SASCO) cho ông Nguyễn Hữu Tấn với thời gian sử dụng là 30 năm. Trong hợp đồng, không có điều khoản nào cho thấy BQLRKT Suối Nhung sẽ được nhận một đồng nào từ HTX Dân Sinh. Vậy thì Trần Tấn Minh cho không HTX Dân Sinh 10ha đất(!?). Ngày 25/2/2010, Trần Tấn Minh đã ký hợp đồng giao khoán cho Hoàng Hoan (nhân viên quản lý bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú) 2,5ha đất rừng (TK 363, đất của SASCO). Trong hợp đồng không có điều khoản nào nêu giá trị sử dụng trong 30 năm. Ngay trong ngày, phía dưới của hợp đồng trên, Hoàng Hoan đã “ủy quyền” cho Bùi Đình Huy (SN 1982, hộ khẩu tại huyện An Lão, Hải Phòng là nhân viên quản lý bảo vệ dự án trên của Công ty SASCO). Theo điều tra của phóng viên, hợp đồng mang danh nghĩa là “ủy quyền” nhưng thực chất Hoàng Hoan đã bán lại cho Bùi Đình Huy với số tiền 310 triệu đồng.

Trụ sở Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung.


Trong quá trình đi thực tế, chúng tôi nhận thấy ông Trần Tấn Minh không chỉ mua bán sang nhượng trái phép cho 2 đối tượng trên mà còn sang nhượng cho khoảng 20 người khác như: Ông Trần Văn Kiệt (lái xe của Ban QLRKT Suối Nhung) 5ha, ông Hoàng Văn Biên (nhân viên BQLRKT Suối Nhung) 10ha, ông Bùi Văn Quân (Giám đốc Bệnh viện huyện Đồng Phú) 5ha,… Tổng số đất mà Trần Tấn Minh mua bán sang nhượng cho các cá nhân là cán bộ của tỉnh và huyện theo ước lượng là trên 100ha.


Ông Trần Tấn Minh đã từ chối tiếp xúc với phóng viên để trả lời một số nội dung mà chúng tôi có được.


Thông tin chúng tôi vừa nhận được là hiện nay Công an tỉnh Bình Phước đang tiến hành điều tra những sai phạm trên tại BQLRKT Suối Nhung.


Công an đề nghị xử lý nghiêm


Theo nguồn tin riêng của phóng viên, Cơ quan Công an tỉnh Bình Phước đã kiến nghị với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước thu hồi 2 dự án đất đã giao khoán tổng cộng 345 ha đất cho Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (nay là Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO) vì đã sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án giao khoán.


Theo điều tra của công an, năm 2006, SASCO đã ký hợp đồng nhận khoán với BQLRKT Suối Nhung để “Quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng rừng, chăn nuôi gia súc” trên diện tích 545 ha tại khoảnh (K) 2, 6, 7, 8, 9, 10, 11 tiểu khu (TK) 363 thuộc BQLRKT Suối Nhung. Ngày 27/2/2007, UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt hợp đồng bằng Công văn 434/UBND-SX. Hợp đồng vừa ký xong thì đến ngày 14/12/2007, ông Trần Tấn Minh, Giám đốc BQLRKT Suối Nhung gửi tờ trình số 93/TT-BQL xin chủ trương xác định trạng thái rừng nghèo kiệt để cải tạo trồng lại rừng kinh tế (tức phá rừng tự nhiên để trồng cao su - PV). Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú đã có quan điểm không đồng ý và đề nghị phải giữ lại rừng. Tháng 3/2008, UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận cho BQLRKT Suối Nhung liên doanh với SASCO chuyển đổi 105 ha rừng để trồng cao su. Cũng trong năm này, UBND tỉnh Bình Phước điều chỉnh 200 ha đất rừng đã giao khoán cho SASCO để giao lại cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước xây dựng căn cứ hậu phương nên SASCO chỉ còn quản lý, sử dụng 345 ha.


Năm 2009, BQLRKT Suối Nhung và SASCO tiếp tục lập các tờ trình xin đánh giá lại hiện trạng rừng giao khoán cho SASCO khoanh nuôi bảo vệ để chuyển đổi trồng cao su trên diện tích 152 ha và cũng được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt dự án chuyển đổi rừng trồng 143,2 ha cao su. Ở cả hai quyết định phê duyệt 2 dự án trên đều ghi rõ SASCO phải đầu tư 100% vốn. Theo cơ quan công an, trước khi chuyển đổi, trong quá trình thực hiện hợp đồng giao khoán 345ha, SASCO chỉ mới đầu tư trồng 18ha cao su từ năm 2008 và xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi, làm đường với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng.


Điều đáng nói là khi vừa được UBND tỉnh Bình Phước cho phép chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trồng cao su và ký 2 hợp đồng liên doanh, SASCO đã không đầu tư mà ngay trong ngày ký 2 hợp đồng liên doanh, SASCO đã ký hợp đồng liên doanh ngược lại với cá nhân ông Trần Tấn Minh, Giám đốc Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung chuyển toàn bộ 2 dự án trên cho ông này trực tiếp đầu tư. Ngay sau đó, ông Minh đã tự ý “chia nhỏ” đất của 2 dự án trên để bán cho một số cán bộ, trong đó có một số vị hiện là cán bộ lãnh đạo của huyện Đồng Phú.


Theo cơ quan điều tra, việc SASCO không đầu tư mà chuyển nhượng trực tiếp cho ông Trần Tiến Minh là trái với quy định của UBND tỉnh Bình Phước và vi phạm hợp đồng liên doanh. Đối với ông Trần Tấn Minh, Giám đốc BQLRKT Suối Nhung vừa ký xong hợp đồng liên doanh với SASCO, lại ký tiếp hợp đồng liên doanh cho cá nhân mình trực tiếp đầu tư và giao đất dự án cho các cá nhân khác là hành vi vi phạm pháp luật nhằm động cơ trục lợi, vi phạm trách nhiệm của chủ rừng về việc theo dõi, giám sát việc thực hiện dự án của SASCO theo quyết định của UBND tỉnh Bình Phước.


Những cá nhân là cán bộ, đảng viên đang công tác tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước sử dụng đất lâm phần trái phép nói trên trồng cao su thu lợi bất chính gồm: Hoàng Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Phú; Ngô Quang Thuấn, Trưởng phòng Tài chính huyện Đồng Phú; Từ Phương Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước; Bùi Văn Tất, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi; Bùi Văn Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Phú; Trần Ngọc Thành, Huyện đội Đồng Phú; Nguyễn Tiên Phong, Chuyên viên Chi cục Lâm nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước; Hoàng Hoan, nhân viên quản lý bảo vệ rừng Hạt Kiểm lâm Đồng Phú; Hoàng Văn Biên, nhân viên Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung và một số cá nhân khác.


Dư luận nhân dân ở Bình Phước rất bức xúc trước thực trạng trên. Bởi vì, hiện nay có nhiều người nghèo trong tỉnh không có đất sản xuất, nhưng lại có nhiều cán bộ, đảng viên và có cả con em của họ được cấp, giao, khoán, cho thuê, cho mượn, sang nhượng trái phép đất lâm phần, đất rừng để trồng cao su làm giàu rất nhanh. Điều này đang gây ra bất bình trong nội bộ và ngoài nhân dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo.


Bài và ảnh:Bình Mai-Đất Việt

"Cưa lốc" phá rừng Bắc Kạn
"Cưa lốc" phá rừng Bắc Kạn

Chỉ cần 20 phút, “cưa lốc” có thể hạ xong cây nghiến hàng trăm năm tuổi. Đây là loại cưa máy, chạy bằng xăng, dầu, rất tiện lợi trong việc khai thác gỗ, dọn thực bì để trồng rừng mới nhưng hiện nay đây cũng chính là công cụ phá rừng đặc dụng cực kỳ nguy hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN