Người dân của 3 thôn: Ninh Tân, Kế Tân và Vạt Chanh, xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) rất bức xúc về việc Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế xả nước thải làm lúa, cá, gia cầm bị chết, nước giếng không thể sử dụng được vì có mùi khét. Trong khi đó, Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế không thực hiện đúng cam kết hỗ trợ cho người dân.
Ông Đặng Hữu Thắng, Trưởng thôn Kế Tân (xã Thiện Kế) bức xúc: Hiện thôn tôi có 26 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước thải của Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế, gần đây nước giếng của nhiều hộ có mùi khét không thể dùng được nên hàng ngày phải mang can đi lấy nước rất vất vả.
Cũng theo ông Thắng, vụ lúa xuân vừa rồi nhà ông có 5 sào ở cánh đồng Cóc Mỵ bị ảnh hưởng do nước thải của Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế nên năng suất lúa giảm khoảng 60% chỉ còn dưới 1 tạ/sào.
Bà Nguyễn Thị Hường, thôn Kế Tân thở dài: “Ngoài 2 sào lúa bị giảm năng suất, gia đình tôi còn 40 con vịt, gà chuẩn bị bán thì sau một trận mưa uống phải nước thải của Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế cũng lăn quay ra chết”.
Gia đình ông Đặng Hữu Ngợi – một gia đình chính sách của thôn Kế Tân thì đang dở khóc, dở cười không biết xoay sở thế nào, cách đây vài năm gia đình ông thuê người chuyển đổi 3 sào lúa đào thành ao thả cá, vừa qua, sau trận mưa nước thải Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế theo nước suối Cóc Mỵ tràn vào ao làm cá chết trắng, hiện ao vẫn bỏ hoang, cá thì không dám nuôi tiếp, chuyển đổi lại để trồng lúa thì không được.
Cùng chung nỗi bức xúc với nhiều hộ khác trong thôn là ông Vũ Văn Thức, Trưởng thôn Ninh Tân (xã Thiện Kế), ông Thức ngao ngán: Chiếc giếng khơi của gia đình tôi được đào từ năm 1974, nước rất trong và sạch, nhưng cách đây 3 năm sau một trận lũ, nước thải Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế theo dòng nước ngập tràn khắp thôn làm giếng nhà tôi và 9 hộ khác sống ven suối Cóc Mỵ bỗng nhiên xuất hiện mùi hôi và khét không thể dùng được. Không còn cách nào khác, gia đình tôi đã phải đầu tư 10 triệu đồng khoan giếng trên đồi cao cách nhà 100 m và lắp đường ống dẫn nước về dùng.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phân tích mẫu nước thải lấy tại hồ Bộ Đội – hồ thủy lợi rộng hơn 1,7 ha chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, được Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế (khi còn là mỏ Vonfram Thiện Kế ) năm 1992 thuê mượn trong vòng 10 năm, với giá trị hơn 10,3 triệu đồng của UBND xã Thiện Kế để làm hồ chứa nước thải của Xí nghiệp. Phiếu kết quả, số 2010/108/CNMT 01 và 02, ngày 23/7/2010 của Trung tâm này xác định: hàm lượng Asen cao vượt quy chuẩn Quốc gia cho phép 1,92 lần; chỉ số PH = 2,88 chứng tỏ nước có tính axit cao và có khả năng ảnh hưởng đến cây trồng vật nuôi…
Được biết, vụ lúa mùa hiện nay, xã và các thôn chưa có thống kê diện tích lúa bị ảnh hưởng, nhưng vụ lúa xuân trước đó theo Báo cáo số 110/BC-NN, ngày 9/4/2011, của Phòng NN&PTNT huyện Sơn Dương, diện tích lúa bị chết và sinh trưởng rất kém. Diện tích lúa của 67 hộ dân ở 3 thôn Ninh Tân, Kế Tân và Vạt Chanh, xã Thiện Kế là 63.138 m2. Trong đó, diện tích lúa bị chết là 11.347 m2, còn lại là diện tích lúa sinh trưởng rất kém (cây lúa bị vàng, còi cọc)… Sau nhiều lần làm việc giữa các ban ngành của huyện Sơn Dương, UBND xã Thiện Kế, đại diện các thôn với Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế để xác định nguyên nhân và giải pháp khắc phục hậu quả, Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế đã nhất trí hỗ trợ diện tích lúa bị hại trong tháng 6/2011, với tổng số tiền gần 79 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế vẫn chưa thực hiện đúng cam kết hỗ trợ cho những hộ dân có lúa bị thiệt hại. Ngày 7/9/2011, UBND xã Thiện Kế lại tiếp tục có Văn bản số 45/UBND yêu cầu Xí nghiệp thực hiện việc hỗ trợ cho nhân dân 3 thôn có diện tích lúa bị thiệt hại do nước thải của Xí nghiệp gây ra.
Mặc dù đã có kết quả xét nghiệm mẫu nước thải và Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế cũng đã cam kết hỗ trợ cho những hộ dân có diện tích lúa bị ảnh hưởng, nhưng khi làm việc với chúng tôi ông Lê Văn Thực, Giám đốc Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế vẫn cho rằng: Nguyên nhân ô nhiễm môi trường làm lúa, cá, gia súc, nước giếng của người dân không sử dụng được… là do người dân khai thác quặng trái phép trên núi Ba Khe (Vườn Quốc gia Tam Đảo) gây ra.
Về vấn đề này, ông Dương Chí Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế và ông Trần Quốc Huy, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Thiện Kế (thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo) khẳng định: Việc ông Thực, Giám đốc Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế đổ lỗi gây ô nhiễm môi trường do người dân khai thác quặng trái phép trên núi Ba Khe gây ra là hoàn toàn vô lý! Ông Huy giải thích: Từ khi Vườn Quốc gia Tam Đảo thành lập chốt kiểm lâm trên núi Ba Khe (tháng 1/2011 đến nay), chốt lúc nào cũng có 4 người trực nên không có việc người dân khai thác quặng trái phép trên núi Ba Khe. Còn ông Thành giải thích thêm: Nếu có tình trạng người dân khai thác quặng trái phép trên núi Ba Khe, thì nước ô nhiễm cũng chảy theo suối Ba Khe ra sông Phó Đáy, chứ không thể chảy vào hồ Bồ Đội rồi theo suối Cóc Mỵ và mương dẫn nước chảy xuống các cánh đồng… làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trước thực trạng trên, bà con các dân tộc 3 thôn: Ninh Tân, Kế Tân và Vạt Chanh, xã Thiện Kế rất mong các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang sớm vào cuộc để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp người dân ổn định đời sống trên mảnh đất quê hương đã gắn với gia đình, tổ tiên họ từ ngàn đời nay.
Vũ Quang Đán