Bắc Ninh xử lý dứt điểm các điểm đen gây tai nạn giao thông tuyến Quốc lộ 18
Quốc lộ 18 (cũ), đoạn đi qua tỉnh Bắc Ninh có tổng chiều dài 26km, chạy xuyên suốt địa bàn huyện Quế Võ và một phần của thành phố Bắc Ninh hiện đã hình thành nhiều điểm đen tai nạn giao thông, rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Điển hình như: tại km 4+ 900, km8 đến km10, đoạn qua khu công nghiệp Quế Võ (thành phố Bắc Ninh); km18 đến km21, qua xã Ngọc Xá (Quế Võ)… Đây là những đoạn đường cong, có nhiều nhánh rẽ vào khu công nghiệp, khu dân cư, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Nằm dọc 2 bên đường Quốc lộ 18 cũ có rất nhiều trường học và các khu, cụm công nghiệp. Toàn tuyến có tới 140 điểm đấu nối, mật độ phương tiện tham gia giao thông, trung bình gần 10.000 lượt phương tiện/ ngày, đêm. Trong khi đó, đường lại không có dải phân cách cứng, không có hệ thống chiếu sáng, nhiều đoạn đường cong, gấp khúc, người tham gia giao thông thường chủ quan phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tay lái để xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến Quốc lộ 18 cũ, đoạn qua khu công nghiệp Quế Võ; yêu cầu ngành chủ quản từ Trung ương đến địa phương khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục điểm đen hiệu quả nhất, đảm bảo an toàn giao thông đoạn qua khu công nghiệp Quế Võ và toàn tuyến.
Ban An toàn giao thông tỉnh đề nghị Sở Giao thông- Vận tải xem xét và chuyển hướng đi của tuyến xe buýt Bắc Ninh - Sao Đỏ từ Quốc lộ 18 cũ vào đường gom khu công nghiệp, nhằm hạn chế các phương tiện lưu thông trên đường. Nghiên cứu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng từ thành phố Bắc Ninh đến thị trấn Phố Mới (Quế Võ) và lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại vị trí kết nối đường trung tâm khu công nghiệp với Quốc lộ 18 cũ. Phối hợp với Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 248, Cục đường bộ rà soát và xử lý các đường ngang đấu nối vào Quốc lộ cho phù hợp. Bên cạnh đó, đề nghị Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tập trung mạnh vào các giờ cao điểm. Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ giải quyết dứt điểm các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, để trả lại đường thông, hè thoáng cho tuyến.
Triển khai nhanh các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại Đồng Nai
UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải theo phân cấp quản lý về hạ tầng giao thông, chủ động có kế hoạch hoặc đề xuất biện pháp khắc phục, sửa chữa và xây dựng mới, không để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài.
Theo đó, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra và chấn chỉnh công tác đảm bảo an toàn giao thông tuyến quốc lộ 51 và các tuyến đường trọng yếu thường xảy ra TNGT trên địa bàn tỉnh. T heo thống kê của ngành Giao thông tỉnh Đồng Nai,mỗi ngày trên tuyến quốc lộ 51 có trên 20.000 lượt ô tô, gần 35.000 lượt mô-tô, xe gắn máy lưu thông. Trong khi đó, tuyến quốc lộ này đang trong giai đoạn nâng cấp, mở rộng, vừa khai thác, vừa thi công nên trật tự an toàn giao thông hết sức phức tạp. Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai đề xuất phương án sửa chữa một số tín hiệu giao thông trên tuyến đường, xử lý các chốt đèn cảnh báo và điều khiển giao thông; phối hợp với Khu quản lý đường bộ VII đóng giải phân cách cứng tim đường tại Km 1847+950 trên địa bàn thị trấn Trảng Bom.
Riêng về các tuyến đường quốc lộ 20, đường tỉnh 769 và quốc lộ 51 đang xuống cấp nghiêm trọng và sức chịu tải tuyến đường không đáp ứng được dự án vận chuyển Bô-xít, mắc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và Tập đoàn Than Khoáng sản khẩn trương nâng cấp tuyến đường này, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường trên, tỉnh yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải tinh Đồng Nai và Ban an toàn giao thông các địa phương hướng dẫn nhân dân có phương án phòng ngừa tai nạn, đồng thời yêu cầu Cảnh sát giao thông cũng như Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm, đúng quy định các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm quá tải trọng cầu đường.
Ngoài ra, Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cũng chú trọng đến việc phối hợp với Thanh tra giao thông và lực lượng Cảnh sát giao thông trực hướng dẫn điều hòa giao thông tại các điểm thường xuyên ùn tắc, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo giao thông hoạt động bình thường và thông suốt.
Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai cũng hỗ trợ Ban an toàn giao thông thành phố Biên Hòa lắp đặt trụ nhựa dẻo phân làn xe tại các đường dẫn vào cầu chung với xe lửa (cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát) đường Phan Đình Phùng (đoạn giao với đường Nguyễn Ái Quốc). Thực hiện lắp đặt bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm tuyến quốc lộ 56 và tuyến đường 763. Lắp đặt hệ thống đèn cảnh báo giao thông trên địa bàn các huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Tân Phú, Định Quán, Nhơn Trạch…
Hà Tĩnh giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến QL 1A
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa có văn bản yêu cầu Ban an toàn giao thông, các Sở Giao thông vận tải, Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các ngành có liên quan và các huyện, thị, thành phố thực hiện ngay các biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên tuyến QL1A.
Liên tiếp những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8/2011, trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông Hà Tĩnh, 7 tháng đầu năm, đã xảy ra 110 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 99 người. Đa số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đều do xe khách và xe đường dài gây ra. Nguyên nhân chính là do ý thức của người điều khiển phương tiện, ngoài ra nhiều xe chất lượng kém đã hư hỏng, xuống cấp, lái xe chủ quan không sửa chữa.
Đơn cử, vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 5/7, tại Km 486+500 trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, xe tải mang biển kiểm soát 37S-0739 đâm vào xe khách BKS 38H-1936 và xe khách BKS 49H-8116 cùng một xe máy đang đứng bên đường, làm 2 người tử vong. Nguyên nhân được xác định là do xe tải bị nổ lốp làm lái xe mất lái. Tiếp đến vụ tai nạn xảy ra ngày 6/8, tại Km 475 trên Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Xuân Lam (Nghi Xuân) giữa xe khách BKS 81B - 00046 đi từ Gia Lai ra Hà Nội, đến đoạn đường trên đã đâm vào xe tải BKS 77H 8441 theo hướng ngược lại. Hậu quả là 5 người đi trên xe khách cùng 2 người đi trên xe tải bị thương. Nguyên nhân được xác định, xe khách bị bó lốp, lái xe không làm chủ được tay lái, lấn sang phần đường ngược chiều.
Theo Ban An toàn giao thông Hà Tĩnh, nhiều hợp tác xã, chủ xe còn dễ dãi trong tuyển dụng lái xe, tuyển dụng cả lái xe điều khiển loại xe không đúng quy định của Luật giao thông đường bộ. Cảnh sát giao thông Hà Tĩnh tăng cường kiểm soát chặt chẽ trên các cung đường, như bắn tốc độ, bắn vạch đường, tuy nhiên việc xử phạt không mang tính giáo dục cao, lái xe xử phạt xong lại tái phạm và khi không có lực lượng công an làm việc lại phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là những lúc nửa đêm đến rạng sáng. Các cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã tổ chức các cuộc họp để bàn giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A, song vẫn chưa kiềm chế được tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn.
Long An đảm bảo an toàn giao thông tại nút giao nhau An Thạnh
Thời gian gần đây, đoạn giao nhau giữa đường tỉnh 830 và đường dẫn đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương, thuộc địa bàn xã An Thạnh (Bến Lức-Long An), luôn là điểm nóng về tai nạn giao thông. Nhất là từ khi thi công vòng xoay đường dẫn cao tốc, tình hình tai nạn lại trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với trước.
The o người dân nơi đây cho biết, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn trên nút giao thông này là do đoạn đường này đang trong giai đoạn thi công thuộc dự án vòng xoay dẫn lên đường cao tốc, mặt đường được nới rộng gần gấp đôi, dãy phân cách trùng với lề phải hướng lưu thông trước kia. Bên cạnh đó, đường không có đèn báo nên người lưu thông vào ban đêm từ hướng Đức Hoà về Bến Lức không thể thấy đường, cứ lao vào dãy phân cách dẫn đến tai nạn. Chưa kể lúc trời mưa đường trơn, tầm nhìn hạn chế, hoặc có đèn pha từ xe ngược chiều thì nguy hiểm hơn nhiều. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra lúc 23 giờ ngày 15/8/2011, anh Nguyễn Hồng An do không thấy dãy phân cách nên va vào và chết tại chỗ. Đáng nói hơn trước tình hình tai nạn xảy ra liên tục, người dân đến báo cho đơn vị thi công nhiều lần nhưng vẫn không được giải quyết .
Trong lúc chờ đợi các biện pháp đảm bảo an toàn từ phía các cơ quan chức năng, người dân địa phương tự kéo dây mắc đèn, đặt biển báo tạm cho người lưu thông quan sát .Nhưng các giải pháp trên chỉ hạn chế được phần nào và tai nạn vẫn còn liên tục xảy ra. Thiết nghĩ, nếu như không có sự chấn chỉnh kịp thời từ phía các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thì nút giao thông An Thạnh sẽ còn là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Thái Hùng, Lê Hiền, Công Tường, Thanh Bình