Ngang nhiên phá rừng
Từ phản ánh của người dân, ngày 30/1, phóng viên đã vào rừng thông do cộng đồng bon Bu Koh quản lý để mục sở thị tình trạng khai thác thông trái phép. Cánh rừng thông này nằm cách khu dân cư chưa đầy 1 km, đường bê tông đi vào sát mép rừng.
Thông bị cưa hạ, cắt khúc, chất đống chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. |
Dọc hai bên đường đất xuyên giữa rừng, khi chúng tôi có mặt vẫn còn nhiều đống gỗ thông cắt khúc dài từ 50 cm đến 1,3 m chờ vận chuyển đi tiêu thụ. Tại nhiều điểm, những cây thông có đường kính từ 30-50cm, chiều cao hàng chục mét bị cưa hạ ngổn ngang. Nhiều cây mới bị cưa hạ, lá còn tươi, nhựa ứa ra thơm phức.
Theo người dân địa phương, việc khai thác thông đã diễn ra khoảng 3-4 tháng nay. Để thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, các đối tượng đã đưa xe cơ giới san gạt một con đường dài gần 3 km xuyên giữa rừng. Hàng ngày vẫn có xe tải vào bốc gỗ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 10/8/2010, UBND huyện Tuy Đức đã ban hành Quyết định giao 1198,7 ha rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư bon Bu Koh quản lý, bảo vệ. Diện tích này nằm trên địa bàn 2 xã Đắk R’Tih và Đắk Buk So. Hàng năm, đồng bào được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng.
Ngày 15/8/2017, Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Koh có Tờ trình gửi UBND huyện Tuy Đức, UBND xã Đắk R’Tih, xin được cắt dọn và tận dụng củi trên những diện tích rừng thông bị chết (gồm 3 vị trí có cây bị chết tập trung, diện tích gần 16 ha với 2.228 cây thông và hơn 1.000 cây thông chết rải rác, ngã đổ tại các tiểu khu) để trồng lại rừng. Tiếp đó, ngày 21/8/2017, UBND xã Đắk R’Tih cũng có Tờ trình gửi UBND huyện Tuy Đức để xin dọn dẹp những cây thông bị chết tại rừng do cộng đồng bon Bu Koh quản lý.
Đến ngày 18/9/2017, UBND huyện Tuy Đức có Văn bản số 1334/UBND- VP đồng ý cho Cộng đồng bon Bu Koh cắt dọn, tận dụng củi thông đã chết, dọn dẹp thực bì trên diện tích 15,4 ha tại lô 4, khoảnh 3, tiểu khu 1502 và các lô 4, 7, 13, 17, khoảnh 7, tiểu khu 1491 để kịp thời trồng lại rừng năm 2017. Đồng thời, huyện giao UBND xã Đắk R’Tih kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình cắt dọn, tận dụng củi thông và nghiệm thu theo kiến nghị của cộng đồng bon Bu Koh; báo cáo việc thực hiện các nội dung trên cho UBND huyện thông qua Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức.
Sau khi được UBND huyện đồng ý, cộng đồng bon Bu Koh, đại diện là ông Hà Văn Hùng (bên A) đã ký hợp đồng với ông Trần Tiến Dũng (bên B) cùng xã Đắk R’Tih tiến hành dọn rừng, khai thác, tận thu thông chết (hợp đồng không có số, ngày, tháng ký và căn cứ vào các quy định của pháp luật).
Lợi dụng việc khai thác, dọn dẹp, tận dụng thông khô, các đối tượng đã cưa hạ hàng trăm cây thông sống và khai thác ra ngoài phạm vi cho phép. Theo kiểm đếm chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, gần 400 cây thông đã bị cưa hạ, trong đó gần 130 gốc tươi, đường kính từ 20-50cm. Ngoài số lượng đã được vận chuyển đi tiêu thụ, tại hiện trường còn lại khoảng 130m3 gỗ.
Cần sớm điều tra, làm rõ Theo người dân địa phương, quá trình khai thác diễn ra trong thời gian dài và họ đã nhiều lần phản ánh nhưng chính quyền địa phương, ngành chức năng không có biện pháp để ngăn chặn kịp thời. Dư luận đặt câu hỏi có hay không việc Kiểm lâm, cộng đồng bon Bu Koh, chính quyền xã Đắk Tih “làm ngơ” cho các đối tượng phá rừng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Duy Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức cho biết, trước khi cơ quan Công an vào cuộc điều tra, ông không nắm được thông tin cắt hạ thông tại rừng do cộng đồng bon Bu Koh quản lý. Bởi trước đó, Hạt Kiểm lâm không nhận được báo cáo bằng văn bản, qua điện thoại, trong các cuộc họp với Kiểm lâm địa bàn hoặc các đơn vị khác (UBND xã Đắk R’Tih, cộng đồng bon Bu Koh) về tình hình cắt dọn, tận dụng củi thông và vi phạm nào liên quan đến cắt hạ trái phép rừng trồng thông tại xã Đắk R’Tih.
“Ở đây đã có sự bưng bít thông tin. Lỗi chính là do chủ rừng cộng đồng, UBND xã Đắk R’Tih và Kiểm lâm địa bàn”, ông Tân giải thích.
Ông Tân cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm điều tra, làm rõ để xử lý trách nhiệm, sai đến đâu xử lý đến đó. Riêng lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm do chủ quan, buông lỏng quản lý. Đối với cán bộ cấp dưới buông lỏng quản lý, hoặc tiếp tay cho phá rừng phải chịu trách nhiệm, kể cả xử lý hình sự.
Ông Nguyễn Ngọc Long, Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, ngày 20/1, sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc chặt hạ cây thông tại rừng cộng đồng bon Bu Koh, xã Đắk R’Tih, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện báo cáo về vụ việc đến các cơ quan chức năng liên quan để điều tra, xử lý. Đồng thời, huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công an huyện, UBND xã Đắk R’Tih, Ban Quản lý rừng cộng đồng bon Bu Koh phối hợp với Công an tỉnh Đắk Nông, Chi cục Kiểm lâm và đơn vị liên quan kiểm tra, đo đếm, giám định hiện trường. Vụ việc đang được cơ quan chức năng địa phương điều tra, làm rõ.
Việc lợi dụng dọn rừng để phá rừng ở xã Đắk R’Tih đang gây bức xúc trong dư luận. Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cần sớm điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.