Ngày 29/3/2019, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2501/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, trong đó có nội dung: đồng ý với nội dung báo cáo, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Kết luận thanh tra số 35/KL-TTCP ngày 8/1/2019.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P (sau đây gọi tắt là Công ty Thái Sơn Bộ Q.P) gồm các nội dung chủ yếu về: biệc góp vốn, chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P; về năng lực và kinh nghiệm của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P; việc chấp hành quy định pháp luật của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại các dự án đầu tư xây dựng.
Chuyển nhượng, thanh toán phần vốn góp không đúng quy định
Theo kết luận thanh tra, ngày 5/8/2009, Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (viết tắt là Tổng công ty Thái Sơn) có Quyết định số 823/QĐ-TS về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trị giá 10,2 tỷ đồng, tương đương 51% vốn điều lệ.
Trong đó, ủy quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là “Út trọc”, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) đại diện quản lý 21% và ông Cung Đình Minh, Tổng Giám đốc, quản lý 30% vốn điều lệ của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P nhưng không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vi phạm quy định tại Khoản 6, Điều 16 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Thái Sơn ban hành kèm theo Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/1/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Năm 2013, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng, theo đó, số tiền tương ứng Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn là 24 tỷ đồng. Thực tế, đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp vốn với tổng số tiền là 34,2 tỷ đồng nhưng không thực góp. Việc làm này là vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 11, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 về việc góp vốn điều lệ theo thời hạn đăng ký kinh doanh.
Mặt khác, theo sổ sách kế toán của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, tại thời điểm tăng vốn điều lệ (năm 2013) từ 20 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng, các cổ đông Công ty chưa góp đủ vốn, đến năm 2016 mới góp đủ 120 tỷ đồng bằng tiền mặt. Việc góp vốn điều lệ không đúng và đủ theo thời hạn đăng ký kinh doanh là vi phạm quy định tại Khoản 4, Điều 11, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11, theo đó, việc thực hiện góp vốn bằng tiền mặt, không phát sinh giao dịch bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng là thiếu khách quan và minh bạch.
Kết luận thanh tra chỉ rõ: Việc Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch; Tổng công ty Thái Sơn chưa làm đúng vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, trong đó có nhiệm vụ thanh kiểm tra và đánh giá Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty theo quy định tại Khoản 7, Điều 16, Quyết định số 15/2007/QĐ-BQP ngày 22/1/2007 của Bộ Quốc phòng.
Có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính
Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện có của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, cơ quan Thanh tra kết luận: Hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm với các cơ quan thuế nhưng không được kiểm toán. Nhưng trong các hồ sơ xin vay vốn của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại các chi nhánh của Ngân hàng BIDV (Thành Đô, Bà Chiểu…); hồ sơ tham gia liên danh nhà đầu tư các dự án BOT, BT (Cầu Việt Trì mới, quốc lộ 20 đoạn Km123-Km268) và hồ sơ dự thầu một số gói thầu xây lắp thấy: các báo cáo tài chính có đóng dấu, ký xác nhận của một số công ty kiểm toán (như: FAC, HDT, VNASC, SG-VN, Đệ Nhất ...). Tuy nhiên, qua xác minh, một số đơn vị tư vấn đã xác nhận không thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.
Về số liệu tại các báo cáo tài chính “được cho là đã kiểm toán” để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có đủ năng lực; nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế, tình hình tài chính rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ (năm 2015 lỗ 4,21 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 5,975 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 628 triệu đồng).
“Những việc làm trên của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án” – Kết luận thanh tra nhận định.
Trong việc thực hiện các dự án đầu tư Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu (như: báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm…) để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án được thanh tra (như: Cầu Việt Trì mới, quốc lộ 20…), nhưng vẫn được các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn. Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các doanh nghiệp khác để hưởng lợi.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: “Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, lãnh đạo Tổng công ty Thái Sơn, các chủ đầu tư dự án và đơn vị, cá nhân có liên quan” .
Về việc quản lý, sử dụng vốn, Thanh tra Chính phủ kết luận: Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, không lưu trữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu kế toán theo quy định nhằm: hợp pháp hoá thủ tục thu chi tiền mặt với giá trị trên 192.000 triệu đồng, vi phạm các quy định pháp luật về kế toán; chiếm dụng vốn, sử dụng tiền sai mục đích 695.540 triệu đồng, gây thất thu cho ngân sách nhà nước 26.853 triệu đồng; vay vốn tại Ngân hàng BIDV (Chi nhánh Bà Chiểu, Chi nhánh Thành Đô) và Ngân hàng Liên Việt PostBank với giá trị hàng 100 tỷ đồng; sử dụng giá trị quyền sử dụng lô đất tại số 7-9 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh làm tài sản đảm bảo không đúng quy định để vay vốn nhiều ngân hàng…
“Trách nhiệm thuộc Công ty Thái Sơn Bộ Q.P và Công ty Yên Khánh” – Thanh tra Chính phủ kết luận.
Chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ
Căn cứ vào kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với 4 nội dung.
Thứ nhất là việc giả mạo hồ sơ, tài liệu như: báo cáo tài chính, hồ sơ kê khai về máy móc thiết bị, nhân công, kinh nghiệm, hóa đơn giá trị gia tăng… không đúng thực tế để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp.
Thứ hai, việc thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của dự án, trong đó, có dấu hiệu thanh toán khống khối lượng tại gói thầu số 6 thuộc Dự án kéo dài và nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Pleiku.
Thứ ba, việc vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng: kê khai, giả mạo hồ sơ về báo cáo tài chính, năng lực, kinh nghiệm; sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn tại các ngân hàng.
Thứ tư, dấu hiệu trốn thuế, bảo hiểm: hạch toán thiếu doanh thu trên 135 tỷ đồng và không đóng bảo hiểm 205 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và một số UBND các tỉnh, thành phố (Quảng Ninh, Long An, Đắc Nông, Hà Nội) kiểm tra, rà soát, xử lý các sai phạm liên quan đến các dự án của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.