Khi bị phát hiện, bắt giữ, các đối tượng chối bỏ trách nhiệm, cơ quan Hải quan hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, thu thập chứng cứ từ giao dịch qua mạng xã hội của các đối tượng buôn lậu.
Thời gian qua, thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội, các đối tượng đã đặt hàng giả, giả mạo nhãn hiệu, hàng nhái... từ nước ngoài, sau đó sử dụng phương thức thủ đoạn không khai, khai sai hoặc mang vác qua biên giới để nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ.
Cá biệt có trang mạng còn chào bán hàng cấm như: Vũ khí, tiền chất ma túy, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, xì gà nhập lậu, thuốc chưa được lưu hành. Các đối tượng lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách để thực hiện.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ đầu năm đến nay phức tạp. Các đối tượng đã lợi dụng sự tạo thuận lợi về cơ chế chính sách, sự phát triển của TMĐT, phương thức chuyển phát nhanh để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép như: Động vật hoang dã, dược phẩm, mỹ phẩm, đồ điện tử, vàng, thuốc tân dược, khoáng sản... tập trung tại các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không và các tuyến địa bàn ngoài cửa khẩu với nhiều phương thức, thủ đoạn.
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Sỹ Tráng nhấn mạnh: Ngoài các thủ đoạn truyền thống, các đối tượng còn lợi dụng quy định doanh nghiệp phải nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu chậm nhất là 4 giờ trước khi phương tiện vận tải xuất cảnh. Theo đó, đối tượng buôn lậu thường để sát giờ phương tiện xuất cảnh mới đưa hàng hóa vào khu vực giám sát hải quan. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm tra giám sát, đánh giá rủi ro đối với số lượng hàng hóa nhiều trong thời gian ngắn.
Ngoài ra có hiện tượng doanh nghiệp khi mở tờ khai hải quan được hệ thống thông quan tự động phân luồng Đỏ (phải kiểm tra thực tế hàng hóa), liền hủy tờ khai để khai báo lại tờ khai mới (trong đó có việc sửa thông tin so với tờ khai được phân luồng Đỏ ban đầu) để tránh việc bị cơ quan Hải quan kiểm tra.
Đáng chú ý, Hải quan Hải Phòng còn phát hiện tình trạng thành lập doanh nghiệp mới để xuất nhập khẩu các hàng hóa vi phạm cho các đối tượng người nước ngoài... Trước tình hình này, lực lượng hải quan đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài ngành tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biển; chia sẻ, thu thập thông tin, sàng lọc, phân loại đối tượng làm cơ sở xây dựng kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm để đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm..
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Nguyễn Sỹ Tráng kiến nghị: Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Hải quan về thời hạn tập kết hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu xuất trước khi tàu xuất cảnh 8 giờ; kiến nghị xây dựng chức năng cảnh báo tờ khai trùng ngay tại bước kiểm tra hồ sơ để công chức chủ động rà soát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu ngay tại khâu tiếp nhận hồ sơ...
Trong 6 tháng đầu năm nay, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.201 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 16.173 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 11 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 89 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước 381,4 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2023). Tổng lượng ma tuý các loại được Hải quan thu giữ khoảng 1,0270 tấn ma tuý các loại, gồm: Thuốc phiện, cần sa, heroin, cocain, ketamine, viên ma tuý tổng hợp...