Chiếm đoạt nhà người khác theo kiểu “xã hội đen”


Gần một tuần nay, người dân sinh sống tại khu tập thể Viện Lịch sử quân sự, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội vô cùng bức xúc trước một vụ đòi nhà mang tính chất "xã hội đen" xảy ra tại đây. Cách hành xử của những người đòi nhà khiến người dân lo ngại trật tự xã hội trên địa bàn phường này đang có những dấu hiệu bất an…

Theo phản ánh của người dân, sự việc bắt đầu từ tối chủ nhật 4/12, có một nhóm người đi xe máy, xe 3 bánh, mặc quần áo rằn ri kéo đến bao vây ngôi nhà số 9, ngõ 9, tập thể Viện Lịch sử quân sự. Họ mở cửa xông vào và "phi" luôn một chiếc xe ba bánh vào nhà, án ngữ lối ra vào, gây huyên náo cả khu tập thể.

Người dân cho biết lúc đó chủ nhà là vợ chồng ông Lê Đình Thám, bà Bùi Thị Phương không có nhà. Trong nhà chỉ có con trai lớn của ông Thám là anh Lê Thanh Tùng. Từ khi số đối tượng trên kéo vào nhà, không thấy anh Tùng ra ngoài. Còn nhóm người lạ kia tuyên bố họ đến để lấy ngôi nhà đã được anh Lê Việt Bách, con trai thứ hai của ông Thám bán cho họ. Những người này đưa ra một số bản photo hợp đồng chuyển nhượng nhà ở và sổ đỏ đã được sang tên người mua là ông Nguyễn Đức Tiến, 34 tuổi, HKTT tại số 55, ngõ 205, đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Không rõ thực hư việc mua bán nhà ra sao, song cách hành xử của nhóm người đòi nhà này đã gây bức xúc cho người dân bởi từ trước đến nay, khu tập thể luôn đi đầu trong các phong trào bảo vệ ANTT của địa phương và chưa từng xảy ra hiện tượng dùng vũ lực để đe dọa, chà đạp nhân phẩm người khác.

Bà Trần Kim Thu, Tổ phó tổ dân phố cho biết, tối 5/12, do Tổ trưởng dân phố đi vắng nên bà được Cảnh sát khu vực mời tham gia kiểm tra, lập biên bản sự việc vụ đòi nhà trên. Lúc vào nhà, bà thấy anh Lê Thanh Tùng ở một phòng trên tầng ba. Anh Tùng cho biết đang chờ bố mẹ từ Quảng Bình ra để giải quyết việc đòi nhà vì ông Lê Đình Thám, bà Bùi Thị Phương là những người đứng tên sở hữu sổ đỏ. Từ trước đến nay, anh Tùng cùng bố mẹ ở trong ngôi nhà này. Sự việc anh Bách bán nhà thế nào cả nhà không biết.

Bà Thu quan sát trong nhà đồ đạc sơ sài, không có đồ ăn thức uống. Biết tình thế anh Tùng không thể ra ngoài được, sáng sớm hôm sau, bà Thu mua đồ ăn sáng cho anh Tùng. Nhiều người hàng xóm cũng gửi đồ ăn, bánh trái, hoa quả cho bà Thu để mang vào cho anh Tùng.

Bà Thu cho đồ ăn vào một chiếc làn và đi vào nhà anh Tùng đang ở. Khi bà Thu vào, có 3 người đàn ông đang ngồi trong nhà. Bà Thu trình bày bà là 1 người dân ở tổ dân phố, thay mặt bà con gửi cho anh Tùng ít quà ăn sáng. Khi bà Thu bước lên cầu thang để lên phòng anh Tùng ở thì những người này tra hỏi rồi không cho bà Thu lên, bảo nó (tức anh Tùng) muốn ăn thì phải tự đi ăn.

Bà Thu phân tích trong lúc hoạn nạn thế này, cần phải có cái tình người với nhau, cớ sao lại không cho anh Tùng được ăn. Những người này văng tục rồi lấy lý do nhỡ trong đồ ăn có thuốc độc. Bà Thu thuyết phục họ nếu không cho bà mang đồ ăn lên thì cho anh Tùng xuống ăn, những người này cũng không đồng ý rồi đuổi bà Thu ra.


Xe 3 bánh án ngữ lối ra vào ngôi nhà đang có tranh chấp.

Sau khi sự việc được phản ánh tới Công an phường Nghĩa Đô, sáng 7/12, đồng chí Nguyễn Huy Thành, Cảnh sát khu vực nói bà Thu muốn cho anh Tùng ăn thì cứ mang đồ ăn vào nhà cho anh Tùng. Tuy nhiên, bà Thu cho rằng, mỗi lần vào nhà, những người dân phải xin phép, lạy lục van xin những người tự xưng đến đòi nhà để được mang đồ ăn cho anh Tùng thì không thể chấp nhận được. Việc làm của nhóm người lạ này, theo bà Thu là vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người.

Kể lại sự việc với chúng tôi, bà Thu đã khóc: "Mặc dù chưa biết nguyên nhân nào gây ra sự việc này nhưng tôi chỉ có một ý nghĩ trong việc đòi nhà này, bố mẹ (ông Thám, bà Phương) là người bị hại. Thôi thì con dại cái mang. Nhưng lúc con (anh Tùng) bị như thế này mà bố mẹ không có mặt ở đây, chúng tôi là những người làm cha làm mẹ cũng thấy xót xa. Tôi về cứ suy nghĩ đơn thuần đến những người phạm tội vẫn được quyền ăn uống. Trong khi những người đến đòi nhà ăn ở trong đó, mua rất nhiều đồ ăn về rất thoải mái, còn cậu Tùng ở một mình trên tầng ba, đã bị bức bách áp lực về tinh thần, lại không được ăn uống. Rõ ràng cháu Tùng thân cô thế cô, nếu kéo dài tình trạng này rất nguy hiểm. Rồi ở một mình cùng những người lạ mặt trong nhà, ban ngày còn có hàng xóm đi qua đi lại, ban đêm thì sẽ ra sao?".

Ngoài bức xúc trên, người dân tại khu tập thể Viện Lịch sử quân sự còn hết sức bất bình trước việc những người đòi nhà kéo số đông đến, đi xe 3 bánh tự xưng là thương binh, làm ảnh hưởng xấu đến ANTT trong khu vực. Cho đến sáng 7-12, ngoài chiếc xe 3 bánh vẫn án ngữ lối ra vào ngôi nhà của ông Lê Đình Thám thì vẫn có 3 chiếc xe 3 bánh khác đỗ rải rác xung quanh. Một số người dân đã nhắc nhở những người điều khiển xe đưa xe đi nơi khác, không để ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của nhân dân nhưng họ vẫn phớt lờ.

Một người dân bày tỏ: "Khi nói về thương binh là để người dân nhớ những người có công lao với đất nước, đổ máu cho đất nước. Vậy tại sao để giải quyết những vụ việc tranh chấp như thế này lại đưa thương binh vào? Đây là hiện tượng làm xấu bởi hình ảnh của người thương binh được cả xã hội tôn trọng. Vậy mà giờ đây chỉ vì đòi nhà, những người này đưa hình ảnh những người thương binh ra để trấn áp tinh thần cả khu phố mà bản thân những công dân sinh sống ở đây cũng là quân nhân, thậm chí có rất nhiều người là cán bộ cao cấp của Quân đội, nhiều người cũng đã từng hi sinh xương máu cho đất nước".

"Ngôi nhà đang có tranh chấp, để giải quyết mâu thuẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật chứ không thể tự ý muốn làm gì thì làm" - Đó chính là mong muốn của người dân gửi tới các cơ quan pháp luật quận Cầu Giấycần sớm làm sáng tỏ vụ đòi nhà trên, trả lại bình yên cho khu tập thể cũng như niềm tin của người dân đối với việc thực thi pháp luật.


Theo cand.com.vn

Cảnh báo tình trạng đòi nợ theo kiểu "xã hội đen"
Cảnh báo tình trạng đòi nợ theo kiểu "xã hội đen"

Vụ bắt cóc xảy ra giữa trung tâm TP Hải Dương, liên quan đến món nợ khoảng 200 triệu đồng. Nhờ sự can thiệp kịp thời của Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hải Dương (Hải Dương), nạn nhân đã được giải thoát an toàn. Đây là một kiểu đòi nợ theo kiểu "xã hội đen".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN