Cần bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai

Thời gian qua, thời tiết trong cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng có nhiều diễn biến bất thường, mùa khô thường kéo dài, mùa mưa đến trễ, lượng mưa suy giảm hoặc tăng bất thường và mưa lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn. Còn ở các huyện thuộc vùng cao trong tỉnh, hiện nay việc khoan giếng ngầm để lấy nước phục vụ sinh hoạt vào mùa khô trở thành thói quen hàng năm. Ngoài ra, những năm gần đây, sông Đồng Nai và một số con sông lớn khác trong cả nước dòng chảy giảm sút gây thiếu nước ngọt vào mùa khô. Nếu không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu, trong tương lai không xa, hàng chục triệu người sống quanh lưu vực sông Đồng Nai sẽ có nguy cơ thiếu nguồn nước sinh hoạt trầm trọng.

 

Gian nan bảo vệ nguồn nước ngầm


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai, Đồng Nai là vùng có nguồn tài nguyên nước ngầm tương đối lớn với trữ lượng nước dưới đất khoảng 4.900 tỷ m3/ngày, nhưng hiện dùng 1.200 tỷ m3 nước ngầm/ngày, chiếm gần 22% tổng trữ lượng nước ngầm. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 243.000 công trình khai thác nước, trong đó có gần 88.000 giếng khoan khai thác riêng lẻ, 340 giếng khoan khai thác tập trung trong các khu công nghiệp và hơn 155.000 giếng đào. Ông Trần Thanh Dũng, Trưởng phòng Tài nguyên nước Sở TN&MT cho rằng: Theo số liệu hiện có, thì việc khai thác nước ngầm ở Đồng Nai chưa vượt quá mức độ cho phép, song sự bùng nổ dân số tạm cư, các hoạt động kinh tế gia tăng, thời gian tới nhu cầu dùng nguồn nước ngầm sẽ rất cao.


 

Sông Đồng Nai nhìn từ trên cầu Hóa An.

 

Vào mùa khô nắng nóng như hiện nay thì ở các huyện vùng cao: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, TX. Long Khánh nhân dân đang rơi vào cảnh khan hiếm nguồn nước, nên phải đào các giếng lấy nước ngầm sinh hoạt. Do bị khai thác quá mức nên nguồn nước bị sụt giảm khá lớn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Trong khi đó, do lũ đầu nguồn giảm dần, dẫn đến nguồn nước mặt, nước ngầm sụt giảm, khả năng thiếu nước trong mùa khô càng tăng cao. Hiện nay, ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, vào mùa khô rất nhiều giếng hết nước nên các hộ lại phải đào thêm giếng mới để có nước dùng. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại vào mùa khô (nhất là năm có hạn) để có nước sinh hoạt, sản xuất, người dân bắt buộc phải đào hoặc khoan giếng. Trong khi đó, sau khi đào giếng mới, rất ít hộ có điều kiện lấp lại giếng cũ vì chi phí hơn 1 triệu đồng/giếng. Do đó, giếng bị bỏ hoang khá nhiều, nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước bà con sẽ tiến hành lấp để bảo vệ nguồn nước ngầm và tránh ô nhiễm. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, Đồng Nai hiện có trên 1.200 giếng bỏ hoang không sử dụng chưa được người dân lấp lại. Mùa mưa, nước từ các nơi tràn vào các giếng bỏ hoang, gây ô nhiễm nguồn nước; còn mùa khô sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm.  


Để tránh việc sử dụng và khai thác nguồn nước ngầm quá mức, tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo đối với những nơi có nước máy về, thì kiên quyết không cho khai thác nước ngầm nhằm bảo vệ tài nguyên nước. Ông Trần Thanh Dũng cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có 9/11 huyện, thị đã hoàn thành việc thống kê và lên phương án trám lấp các giếng bị bỏ hoang. Vừa qua, tỉnh đã hỗ trợ làm điểm việc trám lấp gần 100 giếng bỏ hoang tại huyện Long Thành. Dự tính trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí để người dân các huyện, thị, thành trám lấp giếng bỏ hoang. Đồng Nai cũng tăng cường quản lý bằng cách thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm trong khai thác nguồn nước ngầm ở những vùng đã có nước máy. 

 

Bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai - đừng để quá muộn 


Theo số liệu điều tra năm 2010 theo tiêu chí của Hội Tài nguyên nước quốc tế, Việt Nam trở thành quốc gia thiếu nước, bình quân mỗi người chỉ được 3.850 m3 nước/năm. Tại các cuộc hội thảo về bảo vệ nguồn nước mặt, các chuyên gia cũng cảnh báo, đập thủy điện và thủy lợi xây dựng trên thượng nguồn các hệ thống sông lớn như Mê Kông, sông Hồng đã, đang và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh nguồn nước của Việt Nam. Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.  


Thực tế đã chứng minh, thời gian qua thời tiết cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng có nhiều diễn biến bất thường. Cụ thể, mùa khô kéo dài, mùa mưa đến trễ, lượng mưa suy giảm hoặc tăng bất thường và mưa lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn. Vì thế những năm gần đây, sông Đồng Nai và một số con sông lớn khác trong cả nước, dòng chảy giảm sút gây thiếu nước ngọt vào mùa khô. Theo Cục Tài nguyên nước (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng lượng nước mặt phát sinh và chảy qua lãnh thổ nước ta khoảng 830 tỷ m3/năm, trong đó cả nước sử dụng gần 81 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, lượng nước phân bổ không đều nên vào mùa khô có 2/3 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng. Trong đó, sông Đồng Nai là một trong 6 con sông bị khai thác đến mức rất căng thẳng. Hằng năm, Đồng Nai có khoảng 26 tỷ m3 nước mặt nhận từ hệ thống sông Đồng Nai và các sông, suối nhỏ, trong khi đó nguồn nước tại nhiều sông, suối đang bị ô nhiễm nghiêm trọng vì chất thải công nghiệp và nông nghiệp. 


Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về tài nguyên nước, ngưỡng khai thác nước của các quốc gia không nên vượt quá 30% lượng dòng chảy. Tuy nhiên, ở các tỉnh Đông Nam bộ, vào mùa khô, lượng nước khai thác đều vượt quá 50% lượng dòng chảy. Khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn tài nguyên nước trên các sông.


TS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường cho biết: Hiện Đồng Nai đang phải đối mặt bốn nguy cơ đe dọa nguồn nước ngầm và nước mặt, đó là: Nước thải ở các khu công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn; chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt; khoan giếng quá nhiều và nhiễm mặn do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao.   Ngoài ra, nhiều nhà khoa học còn lấy làm lo ngại và cho rằng: Nếu hàng loạt công trình thủy điện trên sông Đồng Nai được xây dựng, khi hoàn thành đi vào quản lý, vận hành và khai thác, việc điều phối, điều tiết nước trong mùa khô sẽ có ảnh hưởng nhất định về dòng chảy trong sông, đặc biệt là đoạn sông cạn nông, nhiều thác ghềnh đi qua huyện Tân Phú và Định Quán; lượng nước về hạ lưu ít sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác tưới của các trạm bơm, do liên quan đến cao độ bể hút của trạm bơm nước phục sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân ở hai huyện trên như đã thiết kế trước đây.

Với hạ lưu đập thủy điện Trị An, khi hồ chứa không đủ nước, không có kế hoạch cụ thể về xả nước cho hạ du thì khả năng nước mặn sẽ vào sâu, lúc đó không những ảnh hưởng thiệt hại cho cây trồng, mà còn ảnh hưởng lớn đến nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp của vùng hạ lưu.  


TS Vũ Ngọc Long, đại diện mạng lưới sông ngòi phía Nam, Giám đốc Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển còn cho biết thêm, “khi chặn sông làm thủy điện sẽ làm thay đổi mô hình thủy văn của các dòng sông cũng như mức độ dinh dưỡng, chất lượng nước nói chung. Nước trong dòng sông có thể trở nên nóng và ấm hơn, ít oxy hơn, làm phương hại đến nhiều loài phụ thuộc vào các hệ sinh thái nước lạnh tự nhiên. Những thay đổi này ảnh hưởng đến chất lượng nước tổng thể vùng hạ nguồn, chắc chắn gây ảnh hưởng cho nuôi trồng thủy sản và nguồn nước sinh hoạt của nhân dân”. 


Các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ cần có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước mặt, cũng như nước ngầm - chính là gìn giữ nguồn tài nguyên quý giá cho thế hệ mai sau.        

 

Lê Hiền     

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN