Hội đồng xét xử đã tuyên án các bị cáo: Nguyễn Mạnh Hùng (tên thường gọi Hùng Sida, sinh năm 1984, trú tại phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, Gia Lai) 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hữu Thuộc (tên thường gọi Hậu lác, sinh năm 1981, trú tại phường Ia Kring, thành phố Pleiku, Gia Lai) 5 năm 6 tháng tù; Nguyễn Mạnh Tuấn (tên thường gọi Tuấn chè, sinh năm 1981, trú tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) 5 năm tù; Đào Đình Kha (sinh năm 1979, trú tại phường Yên Thế, thành phố Pleiku, Gia Lai) 4 năm tù; Đinh Lê Lai (tên thường gọi Nicolai, sinh năm 1984, trú tại phường Thống Nhất, thành phố Pleiku, Gia Lai) 3 năm 6 tháng tù.
Các bị cáo Lê Trung Nguyên (tên thường gọi Sam, sinh năm 1984, trú tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai), Nguyễn Minh Đức (sinh năm 1980, trú tại phường Đống Đa, thành phố Pleiku, Gia Lai), Lê Minh Đức (sinh năm 1986, trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai), Hoàng Minh Hiếu (sinh năm 1981, trú tại xã Ia Krái, huyện Ia Grai, Gia Lai) mỗi bị cáo 2 năm 6 tháng tù; Dương Thiếu Hạ (sinh năm 1988, trú tại xã Phước An, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) 2 năm tù cùng về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Đây là vụ án Công an huyện Ia Grai (Gia Lai) điều tra từ năm 2016, đến năm 2017 tạm đình chỉ vụ án và năm 2019 thì khôi phục điều tra vì các đối tượng đến đầu thú.
Theo tài liệu điều tra, các xe gỗ từ xã Ia Dal, xã Ia Tơi (huyện Ia H'Drai, Kon Tum) muốn về tỉnh Gia Lai phải đi qua chốt kiểm soát đường bộ Sê San 4. Chốt này nằm trên trục đường độc đạo và có lực lượng chức năng (Kiểm lâm, Công an, Bộ đội Biên phòng, dân quân) chốt giữ, có trạm barie, kiểm soát nghiêm ngặt.
Khoảng 1 giờ 30 ngày 6/10/2016, đoàn xe ô tô chở gỗ do Hùng, Thuộc và Tuấn đứng “đằng sau”, đi từ Kon Tum về Gia Lai, khi đến địa phận làng Kom Ngó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai thì bị lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Ia Chía, Công an xã Ia Chía kiểm tra, bắt giữ.
Sau khi xin xỏ bất thành, Hùng đã chỉ đạo lái xe dùng xà beng, búa để đục số khung, số máy, tháo biển kiểm soát của các xe ô tô, sau đó các đối tượng nổ máy và điều khiển xe ô tô vi phạm bỏ chạy. Tuy nhiên, lực lượng chức năng tại hiện trường đã ngăn chặn bắt giữ các phương tiện cùng gỗ tang vật. Tang vật của vụ án gồm 5 xe tải trọng lớn, trên 111 m3 gỗ được khai thác từ vùng rừng giáp ranh vùng biên giới tại địa bàn huyện Ia H'Drai.
Nguyễn Mạnh Tuấn khai sau khi dẫn 5 xe chở gỗ đến hết địa bàn Ia H’Drai thì bàn giao cho Nguyễn Hữu Thuộc tiếp tục dẫn đi tiếp. Nguyễn Hữu Thuộc khai việc "lo đường" tại địa bàn huyện Ia H’Drai do Nguyễn Mạnh Tuấn thực hiện. Các lái xe khai nhận khi đi qua chốt kiểm soát thì thấy barie đã mở sẵn, không ai chặn, kiểm tra.
Các cán bộ có liên quan đến việc để các xe gỗ qua chốt gồm: Trần Văn Tuyến (nguyên là Hạt phó Hạt Kiểm lâm Ia H’Drai - Chốt trưởng, hiện nay là Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum); Thao Văn Tăng (cán bộ Công an huyện Ia H’Drai - nguyên là Chốt phó); Nguyễn Mạnh Thành (hiện là cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plong, Kon Tum), Nguyễn Hữu Thược (hiện là cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, Kon Tum); Mai Viết Hà, Võ Tấn Hạnh (nguyên là dân quân xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, Gia Lai). Những người này khai trong ca trực không phát hiện các xe chở gỗ trái phép và không nhớ rõ mình thuộc ca trực nào.
Đến năm 2019, khi đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng - tức Hùng Siđa (một bị can quan trọng trong vụ án) bị Bộ Công an bắt để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc thì có thông tin người này có liên quan đến vụ vận chuyển gỗ trái phép nói trên. Từ thông tin này, Ban Nội chính Trung ương đã có văn bản chỉ đạo Cơ quan điều tra thêm thì vụ việc mới được làm sáng tỏ.
Vụ vận chuyển gỗ trên có dấu hiệu liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát địa bàn của các Đồn Biên phòng 703, 711, 715, 719 (thuộc Bộ đội Biên phòng hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum).
Từ những dấu hiệu này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã có phiếu chuyển tin báo, tố giác về tội phạm và chuyển các tài liệu liên quan cho Cơ quan Điều tra hình sự Bộ đội Biên phòng để điều tra theo quy định.