Những con số đáng báo động
Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm ma túy tại các tỉnh phía Nam trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, nhất là sau khi các lực lượng chức năng các tỉnh phía Bắc, miền Trung đẩy mạnh công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.
Tội phạm ma túy có xu hướng dịch chuyển vào phía Nam và Campuchia để sản xuất ma túy tổng hợp và các loại ma túy khác, đồng thời hình thành đường dây, ổ nhóm sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy từ Campuchia về Việt Nam với số lượng lớn để tiêu thụ tại nội địa và vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc hoặc đi nước thứ ba.
Theo thống kê, 14 tỉnh, thành phố phía Nam có đường biên giới trên bộ với Campuchia dài hơn 1.100 km. Toàn tuyến biên giới phía Nam có gần 50 cửa khẩu quốc tế, quốc gia và hàng trăm cửa khẩu phụ, lối mở qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi sự qua lại làm ăn, buôn bán của người dân địa phương giáp biên, phát triển du lịch, giao thương của hai nước.
Tuy nhiên, theo lực lượng Biên phòng, đây cũng chính là điều kiện khách quan mà các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng để thực hiện các hành vi buôn bán, vận chuyển “cái chết trắng” qua biên giới, biến đường biên giới phía Nam trở thành một chốt chặn quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở nước ta.
Trung tá Vũ Xuân Đại, Đoàn trưởng Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm khu vực phía Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (Đoàn 3) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam, trong đó có cán bộ, chiến sỹ Đoàn 3 đã rất nỗ lực thực hiện chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới.
Đứng trước những yêu cầu ngày càng cao của công tác phòng chống tội phạm ma túy, các cán bộ, chiến sỹ lực lượng Biên phòng phía Nam tăng cường nâng cao nghiệp vụ phòng chống tội phạm làm nòng cốt, thực hiện có chiều sâu công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao chất lượng hiệu quả mạng lưới cơ sở mật, nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động xác lập chuyên án, vụ án để đấu tranh triệt phá, nhất là các đường dây có quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia, tập trung vào các địa bàn trọng điểm trên các tuyến biên giới. Cùng với đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tội phạm ngay từ ngoài biên giới.
Là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng khu vực phía Nam, trong năm 2018, Đoàn 3 đã phối hợp các cơ quan chức năng đấu tranh 5 chuyên án và hai vụ án về ma túy với 23 đối tượng.
Tang vật thu giữ gồm 218 bánh heroin; 41,3 kg ma túy dạng đá; 700g ketamine; 137.010 viên ma túy tổng hợp; 100 kg bột hoa cần sa. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Đoàn 3 chủ trì, phối hợp xác lập đấu tranh 8 chuyên án về ma túy; thu giữ 20 bánh heroin; 426,5 kg ma túy tổng hợp dạng đá; 50 kg ma túy tổng hợp dạng viên nén; 78 kg ketamine; 91.050 viên ma túy tổng hợp.
Những con số trên cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của lực lượng Biên phòng khu vực phía Nam đã thu được kết quả tích rất tích cực, khẳng định vai trò chủ công trên mặt trận này từ biên giới.
Theo Thượng tá Nguyễn Trường Thọ, Trợ lý điều tra, Cục phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (khu vực phía Nam), có được kết quả này, ngoài sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp trên, sự nỗ lực vượt khó, mưu trí, dũng cảm của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trực tiếp làm nhiệm vụ là yếu tố cơ bản để tạo nên những chiến công xuất sắc trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma túy ở các tuyến biên giới.
Diễn biến còn phức tạp
Theo đánh giá của Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), 80% ma túy vào Việt Nam để chuyển đi nước thứ 3, biến Việt Nam thành địa bàn trung chuyển ma túy. Sáu tháng đầu năm 2019 ghi nhận sự gia tăng đột biến về số lượng ma túy bắt giữ cho thấy, tình hình tội phạm ma túy nói chung, tội phạm vận chuyển, buôn bán ma túy ở khu vực phía Nam nói riêng, tình hình các loại tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn và quy mô hoạt động sẽ lớn hơn.
Theo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng, trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cả nước chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý 482 vụ án ma túy với 746 đối tượng, thu 2.187,22 kg ma túy các loại, tăng 142% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng tuyến biên giới trên bộ Việt Nam - Campuchia, các lực lượng Biên phòng bắt giữ 60 đối tượng trong 32 vụ, thu giữ hơn 129 kg ma túy các loại.
Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Thường trực phía Nam cho rằng: những đánh giá từ các cơ quan chức năng cho thấy, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm ma túy sẽ tiếp tục diễn biến “nóng” tại các địa bàn biên giới phía Nam.
Trong những tháng cuối năm 2019, các lực lượng Bộ đội Biên phòng phía Nam cần phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo hoạt động kiểm soát cửa khẩu chặt chẽ, không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy của các đường dây tội phạm ma túy xuyên biên giới.
Lợi nhuận rất lớn từ hoạt động buôn bán ma túy sẽ vẫn là liều thuốc kích thích cho các băng nhóm tội phạm gia tăng các hoạt động buôn bán ma túy qua biên giới với các thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn. Biên giới Việt Nam - Campuchia có hệ thống giao thông liên kết bằng đường bộ với các tuyến đường liên quốc gia, quốc lộ, tỉnh lộ và đường sông kết nối hai nước rất phát triển.
Các đô thị, trung tâm thương mại lớn của Campuchia và các tỉnh phía Nam Việt Nam có sự kết nối giao thông thuận lợi với lượng người, hàng hóa lớn qua biên giới trở thành một thách thức không nhỏ đối với các lực lượng chức năng nơi biên giới trong nỗ lực phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng.
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, không để hàng hóa, ma túy thẩm lậu vào nội địa, các chiến sỹ Biên phòng và các lực lượng chức năng vẫn phải đảm bảo hình ảnh một biên giới hòa bình, văn minh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương, du lịch trong xu thế hội nhập của đất nước.
Chính vì vậy, theo Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, thực tế đòi hỏi trong thời gian tới, các đơn vị Bộ đội Biên phòng, các Đồn, trạm kiểm soát Bộ đội Biên phòng khu vực biên giới phía Nam cần quán triệt sâu sắc, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về công tác phòng chống tội phạm ma túy.
“Các đơn vị Biên phòng cần tiếp tục và nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt về nghiệp vụ với Bộ Công an trong các vụ án, chuyên án phòng, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới tại các địa phương khu vực phía Nam để làm tốt chức năng người lính gác nơi biên giới cho sự bình an của cuộc sống nhân dân”, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương nhấn mạnh.
Bài 2: Vì một vùng biên không ma túy