Doanh nghiệp này bị xử lý do đã có các hành vi vi phạm theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng với diện tích lên tới trên 873.000 m2 đất rừng sang mục đích khác.
Theo Quyết định số 732/QĐ-XPVPHC ngày 22/4/2020 do ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký, xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Anh Hải do ông Phan Huy Cường là chủ doanh nghiệp, vì 4 hành vi vi phạm gồm: Chuyển đổi 28,54 ha đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang trồng cây cà phê, chanh dây, nhãn, mít, bơ; chuyển 58,74 ha đất rừng sản xuất là rừng trồng sang trồng cây cà phê, chanh dây, nhãn, mít, bơ; chuyển 156 m2 đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang đất phi nông nghiệp và chuyển 310 m2 đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp.
Tất cả các hành vi này đều bị xử lý theo Điều 10 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cả 4 hành vi vi phạm trên của Doanh nghiệp Anh Hải đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt với tổng số tiền 241 triệu đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Doanh nghiệp Anh Hải phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất rừng trước khi vi phạm theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 10, Nghị định 91/2019 của Chính phủ. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này. Thời hạn thực hiện hình thức phạt tiền trong 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định. Nếu quá thời hạn trên sẽ bị cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt, cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Ông Nguyễn Tài Tú, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm cho biết: Diện tích đất rừng bị vi phạm nằm trên địa bàn xã Lộc Phú, còn trụ sở của Doanh nghiệp nằm trên xã Lộc An, đều thuộc huyện Bảo Lâm. Diện tích bị vi phạm là rừng quản lý bảo vệ, nhưng “người ta” trồng cây nông nghiệp trên diện tích được giao. Khi xác định Doanh nghiệp Anh Hải vi phạm Nghị định 91 của Chính phủ, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Lâm đã tham mưu cho UBND huyện, chuyển hồ sơ lên UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Cho đến hết năm 2019, trên địa bàn toàn tỉnh có 386 dự án giao đất, cho thuê đất, thuê rừng cho các doanh nghiệp để triển khai dự án với tổng diện tích hơn 57.200 ha, trong đó 189 dự án đã bị thu hồi (bao gồm 157 dự án thu hồi toàn bộ và 32 dự án thu hồi một phần với tổng diện tích 28.218 ha) do không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ.
Sau một thời gian được giao cho các doanh nghiệp, đã có tới 1.157 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép chuyển sang các mục đích khác, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 219 tỷ đồng, đến nay mới thu được 10% số tiền mà các doanh nghiệp phải bồi thường. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác giống như Doanh nghiệp Anh Hải nêu trên (gọi cho đúng bản chất là phá rừng lấy đất ở, đất sản xuất). Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương ra quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất rừng thì hầu như chưa có doanh nghiệp nào thực hiện được.