Chỉ 10% số vụ lấy may mắn lấy lại được tiềnThời gian gần đây, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế liên tục xảy ra các vụ các đối tượng sử dụng thủ đoạn lừa đảo giả danh cảnh sát hình sự, điều tra, chống ma túy… gọi điện tới người dân thông báo họ liên quan đến các đường dây mua bán ma túy lớn hoặc đang nợ tiền, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.
Đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, nhiều người dân lo sợ ảnh hưởng đến công việc, gia đình, con cái đã âm thâm chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo và hậu quả là “tiền mất tật mang” cả về sức khỏe, tiền bạc, tinh thần.
Tang vật vụ án PC50 thu giữ. Ảnh: Anh Tùng/TTXVN |
“Đáng quan ngại là chỉ có khoảng 10% số vụ lừa đảo từ trước đến nay hoàn được tiền khi kịp thời phát hiện và phong tỏa ngay tài khoản. Riêng từ tháng 4/2017 đến nay, PC50 đã tiếp nhận 25 vụ, tính cả vụ bà Bình, với tổng số tiền bị lừa đảo tới hơn 13 tỷ đồng vẫn nằm trong án điều tra”, Thượng tá An chia sẻ. |
Thượng tá Ngô Minh An, Phó trưởng Phòng PC50 cho biết: Thủ đoạn của các đối tượng mạo danh lực lượng chức năng rất tinh vi khi dùng Internet thông qua phương thức VOIP (Voice over Internet Protocol - kết nối Internet) để gọi điện, nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra.
Kịch bản thường là tiếp cận nạn nhân (nhất là phụ nữ), dẫn dắt, cuốn hút vào “mê hồn trận”, rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý, khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, không tỉnh táo và làm theo yêu cầu của bọn chúng.
Mới đây nhất, ngày 17/11, PC50 nhận được đơn trình báo của bà Đỗ Thị Bình tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai bị lừa tiền qua điện thoại mất hơn 600 triệu đồng. Cụ thể, bà Bình nhận được điện thoại báo tài khoản tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Lý Thái Tổ liên quan tới tổ chức buôn ma túy và phải chuyển ngay số tiền đang có vào số của cơ quan điều tra để thẩm định, nếu không sẽ bị bắt đi tù. Sau khi chứng minh không liên quan, bà Bình sẽ được trả lại tiền. Bà Bình đã giấu gia đình làm theo và mất toàn bộ số tiền.
Vụ việc này tiếp tục gióng hồi chuông báo động về tình trạng lừa đảo qua mạng. Theo Thượng tá An, đối với vụ việc của bà Bình, PC50 đã làm việc ngay với phía ngân hàng sở tại để phong tỏa tài khoản cá nhân và tiến hành các quy trình điều tra, nhằm hạn chế thiệt hại.
Tuy nhiên, Thượng tá An cũng cho biết, khó khăn lớn nhất là lần ra manh mối số điện thoại. Hầu hết các vụ lừa đảo, đối tượng thường sử dụng tài khoản, số điện thoại gọi, liên lạc từ ngước ngoài (chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc…), nên ngay khi tiền chuyển đến tài khoản ảo, tiền sẽ được chuyển qua khỏi biên giới. Mặc dù, giới hạn chuyển chỉ 300 triệu đồng/lần, nhưng người chuyển vì nhẹ dạ sẽ chuyển liên tục và số tiền mất tăng nhanh. Bên cạnh đó, các đối tượng thường lừa đảo vào các ngày nghỉ cuối tuần, vì thời điểm này, hệ thống ngân hàng thường không làm việc, nên việc phong tỏa tài khoản khó khăn.
Phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân Mạng xã hội đang phát triển nhiều tiện ích hướng tới sự thuận tiện cho người dùng trong việc giao lưu, kết nối cộng đồng, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Đơn cử như với ứng dụng Zalo với tiện ích “tìm quanh đây” giúp xác định những người cùng sử dụng mạng trong phạm vi bán kính 2 km, các đối tượng xấu có thể định vị vị trí, xác định thông tin cá nhân, giới tính của nhiều người. Hay, Facebook với tính năng tiện ích “Check in”, “Kết bạn” cũng rất dễ lợi dụng để khai thác thông tin cá nhân…
Tất cả các thủ đoạn công nghệ cao nêu trên dù đã được cơ quan công an cảnh báo, nhưng không ít người dân vẫn mắc bẫy. Thông thường, các đối tượng mua tên miền, code, hosting (máy chủ ảo vận hành website) từ một số cá nhân rao bán trên mạng internet; gửi các thông tin email, hình ảnh, nội dung web (số điện thoại đối tượng dùng làm “tổng đài” nhận liên lạc từ người bị hại truy cập vào website… Vì vậy, PC50 khuyến cáo, người dân nên hạn chế việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân như: Ngày sinh, số CMND, bằng lái xe, tài khoản ngân hàng, gia đình, cơ quan… lên mạng xã hội.
Danh sách các Website lửa dảo trên mạng Internet PC50 công bố. Ảnh: PC50 |
PC50 cũng lưu ý, người dân cần biết là tất cả số điện thoại giả lập theo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu (+) trước dãy số, vì chúng được thực hiện qua internet. Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài 1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Nhóm tội phạm công nghệ cao thường hoạt động có tổ chức và thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, đặt hệ thống tổng đài ở nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Thượng tá An “bật mí” nhiều “bí kíp phòng thân”. Cụ thể, khi có người mạo danh gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại, mà giấy mời hoặc giấy triệu tập ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc.
Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là lừa đảo, vì cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội.
Ngoài ra, để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng… Trong trường hợp chuyển tiền cho tài khoản người khác nghi hoạt động lừa đảo thì người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn.
Công an Hà Nội hiện đã công bố 78 website lừa đảo, nhằm kêu gọi các nạn nhân đến cơ quan trình báo, phục vụ công tác điều tra. Cùng với đó, Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị người bị hại cung cấp thông tin theo số điện thoại 0439.396.145.