Ngày 18/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở 2 phiên tòa xét xử 2 vụ án mà trong đó bị cáo đều là những người mẹ vô trách nhiệm, cố tình lôi kéo con gái của mình đi chung con đường phạm tội. Bản án thích đáng cho những bị cáo này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tình trạng phạm tội liên kết trong cùng một gia đình đang xuất hiện ngày một nhiều trong thời gian gần đây.
* Tử hình nữ quái “nhờ” con gái đi giao heroin
Chiều 18/4, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bản án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Thị Anh (sinh năm 1966, trú tại phường Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội) về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.
Khoảng giữa tháng 12/2008, Anh giao cho con gái là Lê Thị Ánh và Phùng Xuân Phong (người yêu Ánh) mang 2 bánh heroin ra Hà Nội giao cho người tên Hường ở phố Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai. Công việc trót lọt Anh trả công cho Ánh và Phong 3 triệu đồng. Tiếp đó, ngày 10/1/2009, Anh giao cho Ánh và Phong 4 bánh heroin để chuyển cho Hường, nhưng khi 2 người đang vận chuyển số hàng trên thì bị công an quận Hai Bà Trưng bắt giữ. Khi nghe tin con bị bắt, biết công an sẽ đến kiểm tra, khám xét nhà, do sợ Ánh và Phong khai ra mình nên đối tượng Anh đã bỏ trốn ngay. Ánh và Phong sau đó đã bị TAND thành phố Hà Nội tuyên phạt cùng lĩnh án Tù chung thân về tội “mua bán trái phép chất ma túy”.
Trong thời gian trốn truy nã, Nguyễn Thị Anh làm nghề buôn bán rau từ chợ Hà Đông ra chợ Văn Chương. Tuy nhiên đối tượng này vẫn không từ bỏ con đường ma túy. Trưa 7/4/2010, khi Anh đang mang 76 gram heroin đi “giao hàng” cho khách thì bị lực lượng công an bắt giữ cùng tang vật.
* Mẹ sản xuất, con bán bột ngọt giả
Cùng ngày, TAND thành phố tuyên phạt 2 mẹ con Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1970) lĩnh án 30 tháng tù giam và Đỗ Thị Phương Loan (sinh năm 1988, đều trú tại xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội) lĩnh án 24 tháng tù treo về tội “buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Tại phiên tòa, 2 mẹ con bị cáo này khai nhận từ tháng 4/2010, Hà bắt đầu mua bột ngọt Ajinomoto và Miwon của một người nam giới đến chào hàng (không rõ địa chỉ, lý lịch). Mỗi lần Hà mua của người này khoảng 20 gói bột ngọt Ajinomoto và Miwon các loại và không biết số bột ngọt là giả. Sau đó, người bán đó đã “bật mí” cho Hà về việc sản xuất bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và Miwon. Khoảng tháng 10/2010, Hà đã mua bột ngọt nhãn mác Trung Quốc cùng vỏ túi giả nhãn mác các hãng bột ngọt trên. Sau đó, Hà sang bao, đóng gói bột ngọt Trung Quốc đó vào các vỏ bao loại 1kg, 454g, 100g rồi dùng máy ép dán nilon thành phẩm, sau đó đem đi tiêu thụ. Tất cả “dây chuyền sản xuất” đóng gói giả bột ngọt Ajinomoto và Miwon đều được thực hiện tại chỗ ở của Hà tại Đội 2, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng.
Đến lúc bị bắt, Hà mới làm được 460 gói bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto và 400 gói bột ngọt Miwon. Số hàng giả được tiêu thụ bằng hình thức bán lẻ tại chợ Cầu, xã Thọ An, huyện Đan Phượng cho người dân đi chợ hằng ngày. Còn con gái Hà là Đỗ Thị Phương Loan cũng bán lẻ số mì chính giả của mẹ tại chợ Phùng. Trị giá số bột ngọt giả do Hà sản xuất được cơ quan công tố xác định là 12 triệu đồng, trong đó Loan giúp mẹ bán được 1,4 triệu đồng. Loan khai lấy bột ngọt “rởm” của mẹ từ tháng 5/2010 nhưng không biết mẹ mình là người sản xuất số bột ngọt này. Chỉ khi một lần tình cờ qua nhà mẹ đẻ chơi, Loan mới biết nhưng ham lợi vẫn tiếp tục lấy hàng để bán kiếm lời.
Kim Anh