Ngày 16/4, Bác sỹ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xảy vụ 9 người cùng họ hàng, cùng ăn phải nấm độc và đã có 2 người tử vong, 6 người đang phải hồi sức tích cực tại Khoa Hồi sức Cấp cứu. Khi nhập viện các bệnh nhân đều có triệu trứng mệt mỏi, đau đầu, trướng bụng, vàng da, tiểu ít, ...
Hai trường hợp đã tử vong gồm: Lò Thị Thịnh (15 tuổi) và Lò Văn Chung (40 tuổi) cùng ở bản Mè, xã Ta Gia, huyện Than Uyên (Lai Châu). Thịnh là cháu (con của em vợ) anh Chung.
Bác sỹ cho biết thêm: Những người này ăn phải nấm độc từ ngày 8/4. Đến ngày 13/4, gia đình mới đưa vào Bệnh viện huyện Than Uyên cấp cứu. Do bị ngộ độc nặng, cùng ngày, bệnh nhân Lò Thị Thịnh tử vong. Đến 15/4, bệnh nhân Lò Văn Chung cũng không qua nổi cơn nguy kịp.
Chiều 15/4, cả 6 bệnh nhân còn lại được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu tiếp tục cấp cứu. Hiện nay, 6 bệnh nhân này đang được tích cực giải độc bằng truyền dịch. Các nạn nhân của vụ ngộ độc này đều thuộc diện hộ nghèo và thuộc thành phần 5 dân tộc đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu.
Đang nằm điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, em Lò Thị Hoa, 14 tuổi (là một trong 9 bệnh nhân ăn phải nấm độc trên) kể: "Cách đây khoảng một tuần, khi đi chăn dê trên rừng em đã lấy một ít nấm màu trắng, to bằng ba đầu ngón tay mang về nấu canh ăn...". Còn chị Lò Thị Thư, 20 tuổi, con gái anh Lò Văn Chung, cùng ăn nồi canh có nấm độc hôm ấy, cũng đang phải cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Lai Châu cho biết: "Hiện vẫn đau đầu và mệt".
Nạn nhân Lò Thị Thịnh mới lập gia đình. Khi bị chết, Thịnh đang mang thai ba tháng. Trong 9 người ăn canh nấm độc hôm ấy duy nhất chỉ có Lò Thị Ẹn, ngay sau hôm cùng ăn canh nấm độc, đã đi sang Trung Quốc làm ăn và không bị ngộ độc...
Bác sỹ Đỗ Văn Giang cũng cho biết thêm: hiện tại Bệnh viện Đa khoa Lai Châu chưa xác định được những người dân này ăn phải loại nấm gì, bị ảnh hưởng của loại độc gì.
TTXVN/ Tin Tức