(Tin Tức) - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 8 với chủ đề "Phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai".
Năm nguy cơ tạo điều kiện cho tham nhũng đất đai
Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong những năm gần đây, mỗi năm có trên 10 vạn vụ việc tranh chấp, tố cáo các sai phạm liên quan đến đất đai (chiếm 65% tổng số vụ việc khiếu kiện, tố cáo, tranh chấp) được công dân phát hiện, gửi đến các cơ quan nhà nước yêu cầu kiểm tra, làm rõ và giải quyết.
Qua thanh, kiểm tra, TTCP phát hiện: Các sai phạm diễn ra hầu hết trên các lĩnh vực đất đai, từ công tác quy hoạch, sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực thi các thủ tục hành chính trong quản lý đất...
Kết quả, cuộc khảo sát về các dạng tham nhũng trong đất đai tại 3 địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Phúc của Viện Nghiên cứu thuộc TTCP chỉ ra 5 nguy cơ tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển. Thứ nhất là sự phức tạp trong hồ sơ thực tế của người dân (84% số hộ chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trục trặc). Thứ hai là thông tin về đất đai không được cung cấp đầy đủ cho người dân, doanh nghiệp. Thứ ba là cán bộ địa chính "tích cực" làm dịch vụ trung gian hưởng bồi dưỡng. Thứ tư là sự kéo dài thời gian các thủ tục hành chính ở phường, xã. Và thứ năm là nhũng nhiễu của cán bộ ở bộ phận hành chính.
Từ các khó khăn và nhũng nhiễu trên, 80% người dân có tư tưởng đi nhờ cán bộ địa chính "giúp". Và 75,6% cán bộ địa chính thừa nhận "thích" công việc đang làm vì có lợi thế về thông tin, có thể kiếm được tiền từ những thông tin có được. Đơn giá để cán bộ địa chính, cán bộ công quyền làm dịch vụ về đất đai gồm hoàn thiện hồ sơ từ 2- 10 triệu đồng/bộ; nộp hộ và theo dõi quá trình thụ lý hồ sơ từ 3,4- 15 triệu đồng/bộ; làm trọn gói từ 8,9- 50 triệu đồng/bộ.
Báo cáo của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng cho biết, tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến trong các khâu: Gian lận trong lập phương án bồi thường (lập cho người bị thu hồi đất riêng và lập để báo cáo Nhà nước riêng); lập phương án, thời điểm sử dụng đất, vị trí đất, diện tích đất, khai khống... thỏa thuận với người dân để hưởng lợi, gây thiệt hại cho Nhà nước, gây khiếu kiện kéo dài.
Đổi mới cơ chế quản lý đất đai
Theo Thanh tra Bộ TN&MT, tham nhũng tồn tại là do cơ chế, chính sách quản lý về đất đai còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa minh bạch nên tạo điều kiện để tham nhũng phát triển và hạn chế hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng.
Các chính sách thực thi quy hoạch, thu hồi và cấp đất đang tạo ra các đặc lợi cho một số đối tượng có đặc quyền. Cùng với đó là sự thiếu minh bạch về giá giao đất và xử lý các yêu cầu về cấp đất tạo cơ hội cho tham nhũng. Biểu hiện trên thực tế là việc quy hoạch sử dụng đất có thể bị bóp méo vì lợi ích thương mại của cá nhân nhà đầu tư. Chính quyền chấp nhận dự án do chủ đầu tư đề xuất mà không hoặc ít dựa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tạo sự chênh lệch giữa giá thị trường và giá do cấp thẩm quyền phê duyệt đối với chủ đầu tư. Bằng quyền tự quyết định, chính quyền có thể làm tăng giá trị một khu đất thông qua xác lập hoặc thay đổi mục đích sử dụng đất... Từ những bất cập trên dẫn tới việc khiếu kiện về đất đai của Việt Nam ngày càng tăng. Nếu như trước năm 2000, các khiếu kiện do việc bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ chiếm 40% thì đến năm 2007 đã tăng lên 70%. Nguyên nhân là do giá bồi thường thấp.
Các tổ chức quốc tế cho rằng: Để giảm tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, Chính phủ Việt Nam cần đổi mới các cơ chế, chính sách quản lý đất đai theo hướng ít có cơ hội cho tham nhũng hơn. Đó là việc giảm bớt việc sử dụng hình thức cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp tư nhân đầu tư. Thiết lập các cơ chế độc lập và sử dụng cơ chế này trong việc xác định giá thị trường. Sử dụng nhiều hơn hình thức đấu giá đất và đấu giá dự án có sử dụng đất. Thực thi nghiêm túc các quy định về minh bạch thông tin, trong quy trình và kết quả quyết định giao đất, định giá đất. Tăng cường khả năng tham gia của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong việc giám sát, tố cáo các hành vi tham nhũng.
Xuân Hương