Vòng xoáy biến động giá của đồng USD

Kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008, xu hướng giới đầu tư hướng tới đồng USD để tìm kiếm sự an toàn một khi có sự bất ổn đã trở thành quan điểm phổ biến trong thương trường. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy giảm, cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề Ukraina cộng thêm với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố cắt giảm đáng kể về chương trình in tiền hay còn được biết đến là gói nới lỏng định lượng (QE), đáng ra đồng USD sẽ phải tăng giá theo đúng như quan điểm phổ biến. Tuy nhiên, mọi việc dường như đang diễn ra theo hướng ngược lại với xu hướng đồng USD giảm giá kể từ tháng 7/2013. Nếu so với các đồng tiền mạnh như đồng euro, đồng franc Thụy Sĩ, đồng bảng Anh, đồng USD thậm chí còn bị lao dốc.

Lý do giảm giá

Người ta có thể in tiền để kiếm tiền và không ai biết điều này tốt hơn so với FED. Kể từ tháng 11/2008, FED đã bắt đầu ba vòng QE trong nỗ lực thúc đẩy các hoạt động kinh tế và tăng giá nhà đất.

Đồng USD đang trong xu thế giảm giá so với nhiều đồng tiền khác. Ảnh: Businessinsider.com


FED đã in khoảng 3 nghìn tỷ USD, trung bình mỗi tháng khoảng 85 tỷ USD với mong muốn tăng khả năng cho vay, tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng thay vào đó, các ngân hàng lại đang ngồi trên một đống tiền mặt và vẫn không dám mạnh tay cho vay, ít việc làm được tạo ra và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao. Những gì QE làm được là gây "lũ" các thị trường toàn cầu với hàng nghìn tỷ đôla Mỹ làm xói mòn niềm tin quốc tế vào nền kinh tế Mỹ và "đồng bạc xanh" .

Trong lịch sử, các quốc gia đã phát sinh nợ đáng kể sao cho phù hợp với quy mô GDP của quốc gia đó và đã trở nên có kinh nghiệm trong việc làm mất giá tiền tệ. Trong một nỗ lực tiết kiệm cho Mỹ, FED đã để đồng nội tệ mất giá. Đồng USD đã "được" rơi khá tự do so với các ngoại tệ chủ chốt khác trên thế giới. Để giữ ổn định cho nền kinh tế Mỹ, FED lại phải mua một phần lớn nợ của chính phủ bằng cách phát hành trái phiếu kho bạc. Kết quả là chính phủ Mỹ trở nên phụ thuộc vào việc vay (tạo ra tiền) để tài trợ cho chính nó. Nhưng FED lấy đâu ra tiền để mua trái phiếu, liệu FED có thể tạo ra tiền mà không được đảo đảm bằng vàng. Xu hướng bất ổn này sẽ không thể tiếp tục mãi.
 Hãy thử hình dung liệu ngân hàng có thể cho khách hàng vay khi họ chỉ kiếm được 1.000 USD mỗi tháng mà chi tới 1.300 USD/tháng? Quy mô nợ quốc gia có đáng lo ngại?

Trong tài khóa 2013, thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ là 680 tỷ USD. Phòng dịch vụ tài chính Bộ Ngân khố Mỹ thông báo thâm hụt ngân sách Mỹ trong tháng 2/2014 là 194 tỷ USD. Chính phủ Mỹ thu 144 tỷ USD nhưng chi 338 tỷ USD, như vậy chính phủ đã chi hơn 134% số tiền kiếm được. Dựa trên con số thống kê, nợ quốc gia sẽ lên tới 20 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ này, chiếm khoảng 140% GDP hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện nay trong tài khóa 2014 (bắt đầu từ tháng 10/2013), chính phủ Mỹ bị thâm hụt ngân sách 380 tỷ USD khi nguồn thu 1.100 tỷ USD và chi tiêu 1.480 tỷ USD. Kể từ đầu tài khóa này, chính phủ Mỹ đã chi nhiều hơn thu 34%.
Nợ quốc gia của Mỹ, mà đã vượt quá 17.000 tỷ USD hiện nay, đã tăng vọt kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Với nợ quốc gia cao khiến chi phí thanh toán lãi suất cao hơn.

Tính đến thời điểm này, chính phủ Mỹ đã phải trả riêng cho việc thanh toán lãi là 166 tỷ USD cho khoản nợ quốc gia. Trong cả tài khóa 2014, Mỹ sẽ phải trả khoảng 420 tỷ USD tiền lãi. Bên cạnh đó, lãi suất lại đang gia tăng. Kể từ giữa năm 2012, lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Mỹ đã tăng từ 1,4% lên 2,7% hiện nay. Như vậy, số nợ của chính phủ Mỹ gia tăng theo năm tháng cùng với việc tăng lãi suất trả nợ.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã dần bán đôla Mỹ mà trong dự trữ của họ, khiến tỷ lệ phần trăm của ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ đồng USD như là đồng tiền dự trữ của họ đã giảm từ hơn 70% trong năm 2000 xuống chỉ còn trên 60% như hiện nay.

Bên cạnh đó, với việc Nhật Bản và Trung Quốc giảm mua Trái phiếu kho bạc Mỹ và với việc FED giảm in tiền giấy mỗi tháng, ai sẽ mua trái phiếu kho bạc Mỹ trong tương lai? FED liệu có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đảo ngược chiến lược của mình để in tiền trở lại và trở thành người mua trái phiếu kho bạc Mỹ trong năm 2015 và 2016?

Rủi ro và cơ hội

Sự suy giảm tiếp tục trong giá trị của đồng USD mang lại rủi ro và cơ hội. Một đồng đôla Mỹ suy giảm sẽ đẩy lãi suất lên cao, đẩy thị trường chứng khoán xuống và giá vàng tăng lên trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong một trật tự thế giới mới của một đồng USD giảm giá.

Sự giảm sút kinh tế Mỹ tuy có làm mất giá đồng USD trong thời gian ngắn hạn nhưng lại có tác dụng giảm bớt nhập siêu, đồng thời kích thích người tiêu dùng Mỹ từ bỏ thói quen xài đồ nhập khẩu mà trở về với các sản phẩm sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng tại các quốc gia khu vực sử dụng đồng euro được hưởng lợi vì giá các sản phẩm nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Một số công ty châu Âu sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu trên cơ sở đồng USD cũng được hưởng lợi do giá nguyên liệu đầu vào trở nên thấp hơn trước đây.

Trong khi đó, các công ty xuất khẩu từ châu Âu sang Mỹ lại gặp rất nhiều khó khăn vì giá các sản phẩm bán sang Mỹ và thị trường dùng đồng USD của châu Âu trở nên rất đắt so với trước khi đồng USD mất giá. Điều này là đáng kể vì Mỹ là thị trường thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, việc đồng USD mất giá cũng còn tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, và những nền kinh tế xuất khẩu khác ở châu Á.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn trên, vị thế của đồng USD không hề bị suy giảm. Theo các chuyên gia của Economywatch, các dữ liệu chính thức cho thấy trong năm 2013, đồng USD có liên quan đến hơn 85% các vụ giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới; hơn 60% dự trữ toàn cầu được giữ bằng đồng USD.

Nếu Mỹ có khả năng quản lý tiền tệ tốt, kiểm soát biến động tiền tệ thông qua việc phân biệt rõ ràng giữa "ngừng" và "giảm dần" việc nới lỏng tiền tệ để duy trì giá trị  và đảm bảo vị thế của đồng USD như một đồng tiền dự trữ. Rất có thể sự mất giá của đồng USD là tạm thời và sớm kết thúc, nhất là khi FED quyết định việc ngừng hoặc giảm mạnh chính sách nới lỏng tiền tệ. Đồng USD tiếp tục vững vàng và Mỹ lại tiếp tục được lợi lớn từ quy chế đồng tiền dự trữ thế giới.


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)

USD vẫn là đồng tiền dự trữ số một
USD vẫn là đồng tiền dự trữ số một

Bất chấp thực tế kinh tế Mỹ đang gặp nhiều khó khăn và sự lớn mạnh của đồng Nhân dân tệ (NDT) trên thị trường quốc tế, vị thế của USD là đồng tiền dự trữ số một thế giới vẫn không hề bị suy giảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN