Vai trò của châu Phi trong cạnh tranh kinh tế đa cực

Phát biểu trên tạp chí Địa chính trị châu Phi (Géopolitique d'Afrique), cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine cho rằng, các nước châu Phi chỉ có thể phát triển được kinh tế để trở thành đối tác của các nước khác với điều kiện các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế chính của châu lục này phải đạt được thỏa thuận với nhau.

Thế giới cần đến tài nguyên của châu Phi, từ đó giúp châu lục này có được những con át chủ bài và tiếng nói có trọng lượng trong thương lượng với thế giới bên ngoài. Nhưng việc khai thác tài nguyên ở vùng Sừng châu Phi, nơi diễn ra xung đột quyết liệt giữa các nước trong vùng vì vấn đề tài nguyên ở Kivu, không nhận được sự hợp tác của các bên có liên quan, cũng không có được sự tin tưởng thực sự giữa các nước láng giềng và các nước đối kháng nhau. Trong khi đó, tính toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước cần phải được giữ gìn hay được tái lập lại và việc phân chia tài nguyên phải công bằng. Ông Védrine cho rằng các nước châu Phi đã không làm được điều đó.

Là người có nhiều kinh nghiệm về quan hệ giữa châu Phi và Pháp, ông Hubert Védrine đã phân tích tiềm năng của châu Phi, sự phát triển của châu lục này và cơ hội hợp tác kinh tế mới trong tương lai giữa châu Phi, châu Âu nói chung và Pháp nói riêng.

Châu Phi, với hơn 1 tỷ dân, được coi là có vai trò đáng kể trong tương quan lực lượng mới trên thế giới. Châu lục này do có tài nguyên thiên nhiên vô tận nên bị nhiều nước ve vãn. Đó có thể là một khó khăn lớn nếu các nhà lãnh đạo châu Phi không có khả năng tăng cường thể chế ở nước mình, nhưng cũng có thể là một lợi thế lớn nếu các nước châu Phi đoàn kết để xây dựng các mối quan hệ hợp tác có hiệu quả với các nước cai trị cũ.

Đồng thời, châu Phi cũng phải tự mình làm tăng giá trị tại chỗ nguồn tài nguyên của mình. Một trong những biện pháp, theo ông Védrine, là tăng cường hợp tác song phương thực sự. Ông thừa nhận, châu Phi có nhiều con át chủ bài quan trọng có thể giúp họ khai thác được ưu thế của toàn cầu hóa, nhưng với điều kiện các nước châu Phi phải tăng cường năng lực tổ chức và đào tạo của mình.

Trong lúc châu Phi dựa vào kinh nghiệm của châu Âu để lập dự án xây dựng chung cho mình, ông Védrine khẳng định, châu lục này có thể tránh được cái không hay đã từng xảy ra với châu Âu vì châu Phi không có kẻ thù chung cũng không có người bảo trợ chung. Để làm được điều đó, châu Phi không nên bắt chước hình mẫu của phương Tây mà phải củng cố thể chế và nhà nước pháp quyền để làm sao sự hợp tác đó mang lại lợi ích cho tất cả công dân của mình. Muốn tận dụng được các lợi thế sẵn có, các nước châu Phi cũng phải tăng cường quản lý để chính quyền trở thành người đối thoại đáng tin cậy đối với các nước khác trên thế giới.

Theo ông Védrine, thế giới hiện nay vẫn "cạnh tranh nhau" và "không chịu nhượng bộ nhau". Phương Tây - cụ thể là châu Âu rồi Mỹ - đã dẫn dắt thế giới trong 4-5 thế kỷ và sự độc tôn này đã chấm dứt cho dù phương Tây vẫn hùng mạnh. Nhưng ông cho đó là một sự hùng mạnh "tương đối" và là "nỗi đau" cũng như "nỗi lo" của phương Tây khi thấy các nước khác đang trỗi dậy. Cuộc cạnh tranh đa cực sẽ chứng kiến sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng cũng có cả Ấn Độ, Nhật Bản, Nga, châu Âu, Braxin và hàng chục nước đang trỗi dậy khác.

Về vai trò của châu Phi trong cuộc cạnh tranh kinh tế đa cực hiện nay, ông Védrine khẳng định, tuy 53 nước châu Phi có tiềm năng và được các nước khác lôi kéo ở những mức độ khác nhau, nhưng châu lục này hiện vẫn chưa phải là một tác nhân thế giới.

Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiêri)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN