Tương lai chính trường Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành

Cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đã được dập tắt hoàn toàn, với gần 7.000 người đang bị giam giữ. Mặc dù Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rõ ràng đã đẩy lùi được cuộc đảo chính, song câu hỏi cấp bách nhất đặt ra là: Ông sẽ mạnh hơn hay trở thành một nhà lãnh đạo yếu thế phải nhân nhượng các đối thủ?

Ông Nigar Goksel, một nhà phân tích kỳ cựu về Thổ Nhĩ Kỳ của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho biết có hai kịch bản có thể xảy ra: Hoặc là ông Erdogan nhân vụ việc này cải tổ các thể chế ở Thổ Nhĩ Kỳ sao cho có lợi cho mình, hoặc là chớp lấy khoảnh khắc đoàn kết nhiều thành phần xã hội khác nhau phản đối vụ đảo chính để đầu tư thực sự cho pháp trị và hợp pháp hóa các hình thức bất đồng chính kiến. 

Lịch sử của chính ông Erdogan cho thấy kịch bản thứ hai ít có khả năng xảy ra. Cứ mỗi khi ông vượt qua được thách thức quyền lực, ông đều xử lý mạnh tay đối thủ. Mặc dù chính phủ đã bắt giữ hàng nghìn binh sĩ và sĩ quan bị cáo buộc tham gia vụ đảo chính bất thành, song có dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ nhân cơ hội này mở rộng cuộc đàn áp sang cả những người bị cho là thù địch với chính phủ. Ngoài quân đội, chính phủ cũng cách chức hàng nghìn thẩm phán mặc dù những người này có vẻ không đóng vai trò gì trong vụ đảo chính.


Cảnh sát bắt giữ binh sĩ phe đảo chính tại Istanbul ngày 16/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Bài viết trên trang mạng của tổ chức phân tích thông tin tình báo "Stratfor" cho rằng chiến dịch trấn áp sẽ làm suy yếu khả năng của quân đội. Việc bắt và tống giam các sĩ quan chỉ huy chiến đấu cũng như các sĩ quan phụ trách hậu cần có nguy cơ đẩy quân đội vào tình trạng vô tổ chức. Tâm lý hoài nghi sẽ lan rộng. Việc lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự sẽ trở nên khó khăn hơn do chính phủ cải tổ các cơ cấu chỉ huy và kiểm soát. 

Tất cả những thách thức mới này nảy sinh vào thời điểm không thể tệ hơn được nữa đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng này đang phải can dự mạnh mẽ vào cuộc chiến với đảng Công dân người Kurd (PKK) cũng như đang sa lầy tại Syria và Iraq. Một quân đội bị suy yếu sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ không còn nhiều công cụ để xử lý những cuộc chiến này. Sự thiếu gắn kết của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm phức tạp thêm những nỗ lực tại khu vực của các quốc gia khác. 

Trên lý thuyết, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ là một trong những lực lượng mạnh nhất khu vực. Song, trên thực tế binh sĩ có tinh thần chiến đấu không cao và thường bất mãn. Những điểm yếu này thường được che giấu nhờ số lượng quân khổng lồ, trang thiết bị hiện đại, song vụ đảo chính bất thành vừa qua đã phơi bày tất cả. Sẽ phải mất vài năm để các lực lượng vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ hồi phục. Song tình trạng bất ổn tại khu vực sẽ chỉ càng nghiêm trọng hơn, và Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần đóng một vai trò trong nỗ lực kiềm chế tình trạng hỗn loạn đó nhằm mục đích củng cố vị thế của mình tại khu vực.

Bài viết trên trang mạng "National Interests" cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay là ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cần phải hiểu được nguyên nhân họ bị một số thành phần trong quân đội oán hận. Và cách thức họ xử lý vụ đảo chính sẽ quyết định tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như Tổng thống Erdogan giảm bớt tham vọng và cho phép soạn thảo một hệ thống hiến pháp mới đảm bảo có những quy tắc dân chủ - tự do (đặc biệt là việc kiểm tra chéo) đồng thời củng cố tiến trình ra quyết sách được thể chế hóa, tình hình nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cải thiện đáng kể trong tương lai gần. Trái lại, nếu như ông Erdogan và AKP tổ chức bầu cử đột xuất để đảm bảo nắm giữ đa số tuyệt đối, soạn thảo một hiến pháp thậm chí còn chuyên quyền hơn văn bản hiện hành, tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ càng tồi tệ hơn.
TTK
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công

Một kẻ tấn công chưa rõ danh tính đã nổ súng bắn vào đầu ông Cemil Candas - Phó Quận trưởng Sisli, thành phố Istanbul ngày 18/7 làm ông này trọng thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN