Trở ngại cho chính sách quay lại châu Á-TBD của Mỹ

Chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ lại vấp phải trở ngại mới từ chính nội bộ nước này. Ngày 14/11, tại Hạ viện, 151 thành viên đảng Dân chủ đã viết thư ngỏ gửi Tổng thống Barack Obama, thúc giục ông không tiếp tục thúc đẩy quyền đàm phán nhanh cho phép phê chuẩn các thỏa thuận tự do thương mại.

 

Bộ trưởng Thương mại các nước châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ họp về TPP tại Indonesia ngày 4/10. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Quyền thúc đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại của Nhà Trắng đã hết hạn năm 2007, nên chính quyền và những người ủng hộ quyền này ở quốc hội đang tìm cách khôi phục quyền đàm phán nhanh cho tổng thống.
Nhà Trắng đang rất muốn thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận cho phép Mỹ và 10 quốc gia nằm trong vành đai Thái Bình Dương khác không chỉ trao đổi thương mại với mức thuế quan bằng 0% mà còn tự do trao đổi trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, dự án công và quyền sở hữu trí tuệ.


Dù Quốc hội đã nỗ lực thỏa hiệp để thông qua các thỏa thuận tự do thương mại gần đây (với Panama, Colombia và Hàn Quốc năm 2011), nhưng TPP lại là một hiệp định ở đẳng cấp khác. Hiệp định này có quy mô rộng và gây tranh cãi tới mức các nhà đàm phán lo ngại rằng những sửa đổi của quốc hội đối với hiệp định có thể khiến Mỹ thất hứa với các đối tác đàm phán và cản trở việc thông qua hiệp định.


TPP vẫn thường được mô tả là một trụ cột kinh tế thương mại trong chính sách tái can dự của Washington với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định này không có Trung Quốc nhưng lại có Nhật Bản. Với hiệp định này, Mỹ muốn lôi kéo các nước vào quỹ đạo của hệ thống kinh tế Mỹ. Điều đáng tiếc cho tới nay là hiệp định chưa lôi kéo được các đồng minh lâu đời nhất của Washington ở khu vực như Thái Lan và Philippines, trong khi quan chức cả hai phía Trung Quốc và Mỹ đều bắn tín hiệu về sự sẵn sàng để Trung Quốc tham gia hiệp định. Mục đích của Washington không phải đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc, nhưng muốn tạo ra sân chơi mà Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác muốn tham gia phải tuân thủ luật chơi.


Những nỗ lực gần đây của Mỹ nhằm kết thúc đàm phán hiệp định vào cuối năm đang đối mặt với trở ngại, khi ngay cả những thành viên trong đảng Dân chủ cũng bị chia rẽ về vấn đề này. Xét trên bình diện toàn cầu, đây là thời điểm khó khăn cho các chính trị gia để đưa ra những nhượng bộ quá lớn liên quan đến các nền kinh tế nội địa của họ.


Thực tế, nhiều phe nhóm đã đứng lên chống lại hiệp định này ở mỗi quốc gia tham gia đàm phán. Trong khi các quốc gia phát triển ngày càng lo ngại rằng họ sẽ phải "làm mềm" đi các yếu tố cứng rắn của hiệp định để cho phép các nước nhỏ hơn tham gia, thì các nước nhỏ lại tỏ ra nghi ngờ về việc liệu các nước lớn có lấy đi những biện pháp bảo hộ cuối cùng đối với nền kinh tế của họ hay không. Khi các lực lượng phản đối gia tăng, Mỹ lại không thể làm gì để giúp xoa dịu điều này. Tháng 10 vừa qua, việc chính phủ Mỹ cạn ngân sách đã buộc ông Obama phải hủy chuyến thăm Indonesia, nơi ông dự định quảng bá hiệp định này với các nhà lãnh đạo thế giới.
Tuy nhiên, không nên vội vã kết luận rằng những cản trở trên đây đã khiến TPP "chết từ trong trứng nước". TPP vẫn có cơ hội đạt được sau khi các nhà đàm phán thỏa hiệp và nhượng bộ trên phiên bản TPP gốc đầy tham vọng. Mỹ vẫn muốn tiếp tục can dự mạnh mẽ vào quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở châu Á, Mỹ Latinh, và cường quốc này biết rằng họ phải chấp nhận một cuộc mặc cả lớn với các đối tác thương mại vì một thị trường tiêu thụ rộng lớn cho hàng hóa của họ.


Quang Tuyến (Theo mạng tin Stratfor)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN