Triển vọng bấp bênh của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Pakixtan

Các mối quan hệ giữa Mỹ và Pakixtan đã xuống cấp nghiêm trọng trong năm 2011, với một loạt sự kiện xảy ra, trong đó có cái chết của Osama bin Laden cũng như việc các lực lượng NATO sát hại các binh lính Pakixtan.

Nhận định về triển vọng quan hệ đồng minh Oasinhtơn - Ixlamabát, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Luân Đôn (IISS) trong tạp chí "Bình luận Chiến lược" số ra tháng 1/2012 cho rằng, mối quan hệ đồng minh này sẽ đối mặt với tương lai hết sức bấp bênh bởi những khác biệt về lợi ích chiến lược, và một xô xát nghiêm trọng mới có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ vốn chưa từng được cả hai bên hài lòng.

IISS cho rằng gốc rễ của những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ - Pakixtan đang và sẽ là vấn đề tương lai của Ápganixtan sau năm 2014, khi các chiến dịch của Mỹ và đồng minh phương Tây tại chiến trường này kết thúc. Đối với giới quân sự Pakixtan, thời điểm này là một minh chứng cho kết luận từ lâu rằng sớm hay muộn Mỹ và các đồng minh cũng sẽ từ bỏ Ápganixtan, để lại cho Pakixtan một tình thế bất lợi về chiến lược. Việc rút quân sẽ giúp cho Ấn Độ giữ vị trí thống trị chiến lược cũng như tạo ra một khoảng thời gian hỗn loạn với nguy cơ Taliban trở lại nắm quyền, gây ra một hiệu ứng bất ổn lớn đối với Pakixtan.

Theo quan điểm của Mỹ, ưu tiên hàng đầu là để lại một tình hình ổn định nhất có thể tại Ápganixtan. Hiện tại, các lực lượng do NATO dẫn đầu đang huấn luyện cho quân đội và cảnh sát Ápganixtan để họ có thể tự bảo đảm an ninh. Tiến trình này đã đạt được những tiến bộ khi số lượng các thành phố và quận huyện do Ápganixtan kiểm soát an ninh ngày càng tăng. Đồng thời, Mỹ đang cố gắng theo đuổi các cuộc đàm phán với Quetta Shura, giới lãnh đạo của Taliban đặt trụ sở tại Pakixtan, để tìm một kết cục chính trị cho phong trào nổi loạn và vì thế giảm các thách thức trong tương lai đối với các lực lượng an ninh của Ápganixtan vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Tháng 11/2011, Nhà Trắng thừa nhận rằng chính phủ Mỹ đang đàm phán với đại diện của Quetta Shura do Tayyib Agha, một trợ tá của nhà lãnh đạo Taliban Mullah Omar, dẫn đầu. Sau 6 cuộc gặp, hai bên đã đạt được một thỏa thuận mang tính thăm dò, theo đó các tù nhân Ápganixtan sẽ được chuyển từ nhà tù Guantanamo về chịu án tại Cata và Taliban sẽ công khai từ bỏ các mối liên hệ với khủng bố quốc tế. Chính phủ Ápganixtan khi đó cũng phản đối đề xuất Taliban thành lập văn phòng tại Cata để thúc đẩy đàm phán, nhưng gần đây đã rút lại sự phản đối với điều kiện không một cường quốc bên ngoài nào được đối thoại với Taliban mà không được sự đồng ý của nước này, và không một cuộc đàm phán nào được tiến hành cho tới khi Taliban ngừng bạo lực nhằm vào các mục tiêu dân thường, cắt đứt các mối liên hệ với al-Qaeda và chấp nhận hiến pháp hiện tại của Ápganixtan.

Mặc dù quan điểm về mức độ thực lòng đàm phán của Taliban còn khác nhau, nhưng một số chuyên gia cho rằng Taliban đã sẵn sàng đàm phán song hiện đang bị "trói tay" bởi giới quân sự Pakixtan không muốn các cuộc đàm phán đạt kết quả. Thực tế, các cuộc đàm phán này khó có thể diễn ra mà không được sự bằng lòng, ít nhất là ngấm ngầm, từ phía Pakixtan. Xét trên quan điểm của Pakixtan, giới quân sự nước này không tin rằng sự thù địch sẽ chấm dứt vào năm 2014, và nước này cũng không mong muốn sự nổi lên của một Ápganixtan ổn định nếu như điều đó được coi là thúc đẩy các lợi ích của Ấn Độ và khiến Pakixtan dễ bị tổn thương khi bị bao vây chiến lược. Với giả định là sự thù địch sẽ tiếp tục diễn ra, giới quân sự Pakixtan khi đó sẽ muốn bảo đảm rằng các nhóm cực đoan - vốn được Pakixtan coi là các tài sản chiến lược trong việc đối đầu với tình huống an ninh bất ổn tại Ápganixtan sau năm 2014 - sẽ tránh được sự tiêu hao giống như Mỹ đã gây ra đối với al-Qaeda.

Thời gian tiếp tục trôi qua, và những căng thẳng giữa Mỹ và Pakixtan có thể được coi là việc "vẽ vạch trên cát" - một quá trình xác định những giới hạn mà các lợi ích của Pakixtan và Mỹ gặp và không gặp nhau khi xét tới vấn đề Ápganixtan. Cả hai bên có rất nhiều lý do để tránh một sự đoạn tuyệt hoàn toàn các mối quan hệ. Đối với Mỹ, Pakixtan là nhân vật chính trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố cực đoan và phổ biến hạn nhân. Đối với Pakixtan, Mỹ vẫn là nhà bảo trợ quốc tế và nguồn viện trợ quan trọng. Không chỉ vậy, Pakixtan coi Mỹ là cường quốc duy nhất có thể thực thi sự cân bằng chiến lược với Ấn Độ một khi các mối quan hệ Ấn Độ-Pakixtan đối mặt với một giai đoạn suy thoái mới.

Mặc dù vậy, có những dấu hiệu cho thấy Mỹ và Pakixtan đang nỗ lực để bảo đảm rằng sự hợp tác thiết yếu giữa hai bên sẽ tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, một sự xô xát lớn nữa - nếu xảy ra - có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ mà cả hai bên chưa từng cảm thấy hài lòng.

Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN