Từ trái sang: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái), Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chụp ảnh chung trước Hội nghị cấp cao ba bên tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 9/5. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Đây là cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Trung- Hàn lần thứ 7 và là lần thứ 3 Nhật Bản đứng ra tổ chức theo cơ chế luân phiên sau thời gian dài gián đoạn. Cuộc họp diễn ra giữa lúc bán đảo Triều Tiên đang có những chuyển động nhanh chóng và tích cực, hướng tới việc tạo dựng một bầu không khí hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực Đông Bắc Á. Đó là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hôm 27/4 vừa qua và cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Triều dự kiến trong vài tuần tới. Với vai trò là những nước có liên quan trực tiếp và có vai trò chủ chốt đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, lãnh đạo của 3 nước đã ra tuyên bố chung đặc biệt ủng hộ toàn bộ Tuyên bố Panmunjom mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên ký kết hôm 27/4 vừa qua, trong đó bao gồm loại bỏ hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Thủ tướng Nhật Bản cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Tổng thống Moon Jae-in, đồng thời nhận định Tuyên bố Panmunjom đã bao hàm tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Ông Abe cũng tuyên bố Nhật Bản sẽ bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên nếu các vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng cùng với vấn đề công nhân Nhật Bản bị bắt cóc được giải quyết triệt để. Thủ tướng Nhật Bản đã nhận được cam kết giúp đỡ của hai đối tác để giải quyết vấn đề các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc vào những năm 1970 và 1980, vốn là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đánh giá hội nghị lần này diễn ra vào thời điểm rất quan trọng sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh và tạo được nền tảng cơ bản cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn và xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Moon cho rằng sự hợp tác của Nhật Bản và Trung Quốc trong tiến trình này là rất quan trọng và không thể thiếu. Về phần mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có chung nhiều lợi ích và sự hợp tác của ba nước là cần thiết cho hòa bình và sự phát triển khu vực. Phát biểu của các nhà lãnh đạo 3 quốc gia Đông Bắc Á đang tạo thêm những tiền đề thuận lợi để giải quyết những căng thẳng tồn tại trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cũng như các cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên trước đây, vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại vẫn là một chủ đề lớn. Mối quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc từ lâu được người châu Á gọi là "tam giác vàng kinh tế". Đã có thời điểm, mối quan hệ này rơi vào tình trạng “đóng băng” vì vấn đề bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa 3 quốc gia này đã ấm dần lên.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, hội nghị lần này được xem là cơ hội để 3 nền kinh tế chiếm tới hơn 20% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và chiếm tới chiếm 1/4 sản lượng hàng hóa, dịch vụ của thế giới, khôi phục lòng tin chiến lược và nâng tầm hợp tác. Việc 3 trục của "tam giác kinh tế vàng" tìm cách xích lại gần nhau cũng xuất phát từ mối đe doạ tiếp cận thị trường châu Âu và Mỹ trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới. Với mức thặng dư thương mại hàng năm của 3 quốc gia này hiện đạt khoảng 400 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây sức ép mạnh mẽ với cả ba nước nhằm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.
Tại cuộc gặp lần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh tự do thương mại đang dẫn dắt kinh tế thế giới đi đúng hướng, đồng thời kêu gọi đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do 3 bên, sớm đạt được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tiến tới xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á. Ông Lý Khắc Cường cũng đề xuất 3 nước tiến hành các dự án chung trong những lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, quản lý thảm họa và tiết kiệm năng lượng thông qua mô hình hợp tác mới "Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc + X".
Đàm phán FTA giữa ba nước được khởi xướng từ năm 2002 nhưng mãi đến tháng 11/2012 mới bắt đầu. Đến nay, cuộc đàm phán này đã trải qua 13 vòng nhưng vẫn bị bế tắc liên quan các vấn đề thương mại hàng hóa - dịch vụ và đầu tư. Nếu hiệp định FTA này được ký kết, nó sẽ góp phần giúp GDP của Trung Quốc tăng thêm 2%, Nhật Bản tăng thêm 0,3% và Hàn Quốc tăng thêm 2,8%.
Rõ ràng dòng chảy đầu tư và hoạt động thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang là minh chứng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của 3 quốc gia này. Trong đó, Trung Quốc là trung tâm của xu hướng phát triển dòng chảy thương mại đó. Sự gia tăng trở lại của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản đã tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư ở các thị trường đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc. Điều này không chỉ dừng lại ở mối quan hệ thương mại, mà còn đánh dấu ý nghĩa quan trọng hơn rằng quan hệ Bắc Kinh – Tokyo đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn của hoạt động xây dựng quan hệ song phương. Mặc dù Nhật Bản đã từ chối tham gia Sáng kiến “Vàng đai và con đường” nối châu Á, châu Phi và châu Âu, nhưng quốc gia này đang lần lượt đáp ứng các lời kêu gọi đầu tư, thương mại hợp tác bình đằng từ Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc và cũng là điểm đến của gần 25% sản lượng hàng hoá xuất khẩu của nước này. Con số này cao hơn 12% so với thị trường Mỹ. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc gần đây đã được cải thiện đáng kể nhờ các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. Các cuộc tiếp xúc này đã làm bình thường hoá quan hệ Trung – Hàn sau thời gian dài “bế tắc” liên quan những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên để phù hợp với sự phát triển của thương mại song phương hiện tại và trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, sự phát triển quan hệ thương mại giữa Nhật Bản – Hàn Quốc cũng đáng khích lệ. Trong năm ngoái, Hàn Quốc đã xuất khẩu 26,8 tỷ USD hàng hóa vào thị trường Nhật Bản, trong khi xuất khẩu của Nhật Bản vào thị trường Hàn Quốc đã tăng lên đến gần 20% trong năm ngoái, bất chấp sự suy giảm 5,7% trong năm 2016.
Những con số biết nói trên cho thấy tín hiệu ấm lên của mối quan hệ đã có thời kỳ “đóng băng” của ba quốc gia Đông Bắc Á. Việc cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc lần này không đề cập tới những tranh chấp lãnh thổ và lịch sử, cho thấy lãnh đạo của 3 nước đang tạm gác lại những xung đột và hiềm khích lịch sử để theo đuổi lợi ích chung. Một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định, cùng việc thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho cả 3 nước và hơn hết, mỗi nước đều phải đóng một vai trò nhất định trong nỗ lực này.