Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm, tại Pháp, ông Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron và trao đổi quan điểm về quan hệ Trung Quốc - Pháp, Trung Quốc-EU cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai của ông Tập Cận Bình đến Pháp sau 5 năm.
Diễn ra hơn 1 năm sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng phái đoàn gần 60 doanh nghiệp hàng đầu châu Âu như Airbus, EDF, Alstom hay Veolia tới Trung Quốc (tháng 4/2023), Paris kỳ vọng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại-đầu tư của Trung Quốc vào Pháp để có thể tái cân bằng quan hệ kinh tế hai nước. Về phần mình, Bắc Kinh có lẽ mong muốn đưa quan hệ Trung - Pháp trở thành cầu nối cho hợp tác giữa Trung Quốc với EU, trong bối cảnh khối gồm 27 nước thành viên vẫn tỏ ra lo ngại về vấn đề thâm hụt thương mại hay việc hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn ngập châu Âu do nước này dư thừa sản xuất. Trong những năm gần đây, Trung Quốc và Pháp không ngừng mở rộng quan hệ thương mại, giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh, gấp 800 lần, đạt 78,9 tỷ USD. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp ở châu Á, trong khi Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba, cũng là nguồn xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc trong EU.
Tại điểm dừng chân tiếp theo, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Serbia Nemanja Vucic; đánh giá việc nâng cao định vị quan hệ Trung Quốc - Serbia và đưa ra phương hướng phát triển mối quan hệ trong tương lai. Đây là chuyến thăm Serbia thứ hai của ông Tập Cận Bình sau 8 năm, có ý nghĩa cột mốc quan trọng trong việc cải thiện và nâng cấp quan hệ giữa hai nước.
Trong những năm gần đây, dòng đầu tư của Trung Quốc vào Serbia đã vượt xa các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp. Hiện Trung Quốc đã vươn lên trở thành nhà đầu tư chính và lớn nhất của Serbia. Các công ty Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ô tô, khai thác mỏ và sản xuất kim loại của Serbia, cũng như các dự án năng lượng tái tạo. Trước chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc đã mô tả mối quan hệ này vững chắc như được “bọc sắt”.
Năm nay đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hungary, mối quan hệ mà Thủ tướng Hungary Viktor Orban đánh giá là "đang đạt đến tầm cao chưa từng có”. Hungary hiện là điểm đến chính ở châu Âu cho đầu tư của Trung Quốc vào pin xe điện. Một số nhà sản xuất pin thuộc sở hữu của Trung Quốc đang thiết lập hoạt động tại đây, bao gồm Contemporary Amperex Technology (CATL) - công ty có siêu nhà máy trị giá 7,3 tỷ euro (7,8 tỷ USD) được coi là lớn nhất ở châu Âu.
Ba quốc gia châu Âu nêu trên đều có quan hệ ổn định với Trung Quốc. Pháp là nước lớn đầu tiên của phương Tây thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Năm nay hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Serbia là đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của Trung Quốc ở Trung và Đông Âu, trong khi Hungary là cầu nối quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu.
Ông Vương Nghĩa Quỳ - Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc - đánh giá trong 3 quốc gia này có nước lớn ở Tây Âu, đại diện ở Đông Âu và quốc gia ở khu vực Balkan; có nước nằm trong EU, ngoài EU. Do đó, chuyến thăm thể hiện sự trọng thị của Trung Quốc đối với châu Âu. Ông cho rằng kết quả thực chất của chuyến thăm sẽ không chỉ thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc với Pháp, Serbia và Hungary mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-EU. Mối quan hệ Trung-Pháp có thể dẫn dắt sự phát triển của quan hệ giữa Trung Quốc và các nước lớn phương Tây.
Bà Kim Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu thuộc Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế Trung Quốc, nhận định châu Âu cần xem xét lại quan điểm đối với Trung Quốc và quay trở lại khía cạnh quan hệ đối tác chiến lược. Xét cho cùng, lợi ích chung giữa Trung Quốc và EU vượt xa những khác biệt và trước những thách thức toàn cầu, cả hai bên không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác cùng nhau.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc Hộ Tư Xã nhấn mạnh hợp tác giữa EU và Trung Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu, phát triển công nghệ mới, an ninh lương thực, an ninh quốc tế và giúp các nước đang phát triển phát triển, bao gồm cả hợp tác trong lĩnh vực y tế, kinh tế và thương mại sẽ không thay đổi. Hai bên chia sẻ những giá trị tương đối nhất quán về chủ nghĩa đa phương, hợp tác song phương có tính lịch sử, có tính lâu dài và có truyền thống.
Trong khi đó, Giáo sư Thôi Hồng Kiến - Viện nghiên cứu Cao cấp về quản trị khu vực và toàn cầu thuộc Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, lưu ý quan hệ EU - Trung Quốc có nền tảng văn hóa và giao lưu nhân dân rất sâu sắc. Trong tương lai, mối quan hệ này phải duy trì ổn định và phải không ngừng phát triển.
Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu thay đổi nhanh chóng, quan hệ Trung Quốc-EU không chỉ liên quan đến sự phát triển trong tương lai của cả hai bên mà còn có tác động quan trọng đến quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương. Sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-EU sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Bởi vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới châu Âu lần này có ý nghĩa như một đòn bẩy thúc đẩy sự ổn định trong một thế giới nhiều biến động.