Sai lầm khiến dịch COVID tại Séc nguy cấp hơn, đi ngược xu hướng toàn cầu

Trên bản đồ dịch tễ học thế giới, Cộng hòa Séc đang xuất hiện như một hòn đảo nhỏ u ám. Trong khi số ca nhiễm mới trên toàn cầu đã giảm trong 6 tuần liên tiếp, quốc gia Trung Âu này lại đang trải qua những ngày ca nhiễm mới ở gần mức kỷ lục.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Karrvina, Séc ngày 11/1/2021. Ảnh: Getty Images

Một biến thể mới, lây nhiễm mạnh hơn của SARS-CoV-2 đã lan khắp đất nước, đẩy các bệnh viện tại Séc đến ngưỡng không thể chống chịu. Số người tử vong vì COVID-19 đã vượt qua 20.000 ở đất nước chỉ 10 triệu dân, khiến tỷ lệ tử vong tại Séc thuộc hàng cao nhất thế giới.

"Hãy cho chúng tôi cơ hội cuối cùng"

Không có lý do gì khiến Séc nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Là một quốc gia tương đối thịnh vượng, một thành viên của Liên minh châu Âu, CH Séc đã được tiếp cận vaccine, thiết bị y tế và các giải pháp công nghệ truy vết lây nhiễm. Họ cũng có một chính phủ dân cử hoạt động dân chủ. Hệ thống y tế được tín nhiệm và nền kinh tế tương đối mạnh.

Theo các chuyên gia, thay vào đó, thảm họa hiện nay ở Séc là hậu quả của hàng chục sai lầm nhỏ, quyết định muộn màng và những thông điệp y tế cộng đồng lệch lạc.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID tại một trạm xét nghiệm ở Prague, Séc. Ảnh: Getty Images 

Hôm 26/2, chính phủ Séc thừa nhận họ không còn lựa chọn nào khác là phải áp đặt một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, bắt đầu từ ngày 1/3, trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới đang bắt đầu nói về việc nới lỏng.

“Chính phủ đã áp dụng một chiến lược là đưa ra quyết định dựa trên năng lực hiện tại của các bệnh viện, đồng nghĩa chúng thường đưa ra quá muộn”, Jan Kulveit, học giả nghiên cứu cấp cao tại Future of Humanity Institute, một viện nghiên cứu đa ngành tại Đại học Oxford (Anh), nhận xét.

Ông cho biết số lượng bệnh nhân trong các bệnh viện đã vẽ lên một bức tranh về việc trì hoãn trong phòng dịch, vì người dân có xu hướng cần đến chăm sóc y tế một thời gian sau khi nhiễm virus.

“Có sự khác biệt lớn giữa áp dụng các biện pháp kịp thời và chờ thêm 10 ngày nữa. Việc trì hoãn 10 ngày, khi tỷ lệ tái sinh là 1.4 đồng nghĩa với việc gia tăng gấp đôi ca nhiễm”, ông Kulveit nói.

Phát biểu tại Quốc hội vào ngày 26/2, Thủ tướng Séc Andrej Babiš thừa nhận chính phủ của ông đã “mắc quá nhiều sai lầm”, nhưng bây giờ không phải lúc để tranh cãi về chuyện đã qua. 

Lý giải về sự cần thiết phải áp đặt lệnh phong tỏa mới, ông Babiš nói: “Tôi hiểu rằng đó là quyết định khó khăn, nhưng rất quan trọng, chúng ta cần cùng nhau thực hiện và tôi hy vọng mọi người sẽ hiểu và cho chúng tôi một cơ hội cuối cùng để chúng ta có thể cùng nhau vượt qua”.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Séc Andrej Babiš kêu gọi người dân ủng hộ lệnh phong tỏa mới. Ảnh: Reuters

Ba quyết định sai lầm

Tiến sĩ Rastislav Maďar, Hiệu trưởng trường Y thuộc Đại học Ostrava và là một trong những nhà dịch tễ học hàng đầu của Séc, đã chỉ ra 3 quyết định mà ông cho là nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng hiện tại. 

Quyết định đầu tiên được đưa ra khi chính phủ đảo ngược ý kiến của các cố vấn riêng, trong đó có chính ông Maďar, từ chối tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong mùa Hè 2020. Quyết định thứ hai khi chính phủ cho phép mở cửa lại các cửa hàng trước dịp lễ Giáng sinh; và quyết định thứ ba là đã không áp đặt chế độ phòng dịch nhằm đối phó với các biến thể mới vào đầu tháng 1/2021.

“Đây là ba sai lầm lớn, và ngay lúc này chúng ta chỉ đang cầu nguyện sẽ không có thêm sai lầm thứ tư”, ông Maďar nói.

Vốn là điều phối viên nhóm cố vấn kiểm soát đại dịch của chính phủ, ông Maďar đã từ chức sau khi Thủ tướng Babiš bác bỏ lời kêu gọi của nhóm cố vấn về kêu gọi bắt buộc đeo khẩu trang vào thời điểm xuất hiện những dấu hiệu cho thấy đại dịch đang bùng lên mạnh vào cuối tháng 8/2020.

Liền sau đó, chính phủ Séc còn quyết định tái mở cửa các trường học vào đầu tháng 9/2020. “Điều này dẫn đến sẽ di chuyển tăng mạnh của gần 2 triệu người, và đại dịch đã bùng nổ”, chuyên gia Mad’ar nói.

“Lúc đó là thời điểm đại dịch bắt đầu lây lan trở lại, nhưng vẫn còn thời gian để ngăn chặn, nhưng điều đó đã không xảy ra, vì sắp tới cuộc bầu cử”, Giáo sư Dagmar Dzúrová, tại Đại học Charles ở Prague nhận xét. Ông cho rằng chính trị đóng một vai trò lớn trong ra quyết định liên quan đến đại dịch.

Chú thích ảnh
Người dân Séc tự may khẩu trang tại nhà. Ảnh: CNN

Chuyên gia Maďar cũng chỉ trích phe đối lập đã gây sức ép với vấn đề khẩu trang. “Phe đối lập cũng muốn lợi dụng điều này, chỉ trích đeo khẩu trang là ‘rọ mõm’ và đặt câu hỏi tại sao chúng ta phải đeo khi số ca vẫn thấp. Vấn đề là chúng tôi không thể phản ứng với những con số mà ta thấy hiện tại, bởi nếu thế, chúng ta đã bị trễ 2 tuần”, ông nói thêm.

Vào cuối tháng 10, khi một đợt phong tỏa cứng là không thể tránh khỏi, Thủ tướng Babiš buộc phải thừa nhận chính phủ đã mắc sai lầm và kêu gọi người dân tuân thủ các quy định. 

Nhưng một sai lầm khác lại nhanh chóng xảy tới. Khi các ca nhiễm bắt đầu giảm và Giáng sinh đến gần, chính phủ trở nên mất kiên nhẫn và quyết định bỏ qua các quy định dựa trên dữ liệu về mở cửa lại an toàn. 

"Họ không chịu được áp lực và bắt đầu dỡ bỏ một số hạn chế để mọi người có thể ra ngoài và mua sắm Giáng sinh, bất chấp thực tế tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao hơn so với khi lệnh cấm được áp dụng”, Maďar nói. 

Chú thích ảnh
Khu chăm sóc đặc biệt bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Thomayer, Prague. Ảnh: Getty Images

Nạn nhân của sự thành công 

Khi thông điệp của chính phủ ngày càng bị xáo trộn bởi chính trị, những thông tin sai lệch bắt đầu lan rộng. Chuyên gia Kulveit cho biết: “Dường như ngày càng có nhiều người tin vào thuyết âm mưu và cho rằng nguy cơ từ virus đã bị thổi phồng quá mức”.

Người Séc có thể dễ tin vào các thuyết âm mưu hơn vì đất nước của họ đã trải qua làn sóng đầu tiên của đại dịch tương đối bình yên, nhờ quyết định sớm đóng cửa.

"Kết quả là, một bộ phận lớn trong xã hội cảm thấy như không có chuyện gì xấu xảy ra và rằng các biện pháp, vốn đi kèm theo cái giá phải trả rất lớn, là không cần thiết...”, Giáo sư Dzúrová nói.

Trong lĩnh vực y tế công cộng, đây được gọi là nghịch lý của thành công. Khi các biện pháp phòng ngừa hoạt động hiệu quả, công chúng có thể đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa và tin rằng việc ngăn chặn là lãng phí thời gian.

Tuy nhiên phải thừa nhận, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Cộng hòa Séc một phần là do biến thể mới, dễ lây lan hơn lần đầu tiên được xác định ở Anh. Các chuyên gia cho rằng quốc gia này đã không chú ý đầy đủ đến biến thể mới, không thu thập đủ mẫu trình tự gien để xác định mức độ lan rộng của biến chủng mới và làm thế nào để ngăn chặn nó lây lan trên toàn quốc. 

Thu Hằng/Báo Tin tức (CNN)
Vaccine COVID-19 của Pfizer có thể kém hiệu quả hơn với người béo phì
Vaccine COVID-19 của Pfizer có thể kém hiệu quả hơn với người béo phì

Một nghiên cứu mới của Italy cho thấy vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể kém hiệu quả hơn ở những người béo phì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN