Quan hệ Nga - Mỹ sẽ sóng gió?

Theo nhận định của Tân Hoa xã, cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 4/3 đã đưa đương kim Thủ tướng Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin và cùng với đó sẽ là sự trở lại của một chính sách ngoại giao mạnh mẽ, trong đó quan hệ Nga - Mỹ sẽ đứng trước không ít thử thách.

Tổng thống đắc cử Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Trong hai nhiệm kỳ tổng thống trước của ông Putin, quan hệ Nga - Mỹ đã không ít lần "nổi sóng". Năm 2009, khi Mỹ bên trong vấp phải cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, bên ngoài gặp khó khăn trong cuộc chiến ở Ápganixtan và Irắc, Tổng thống Barack Obama đã đề nghị tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga và được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hưởng ứng, nhờ thế quan hệ hai nước bắt đầu ấm lên.

Tuy nhiên, về thực chất quan hệ này vẫn tương đối lạnh nhạt. Mỹ chỉ tiến hành một số điều chỉnh về mặt sách lược trong quan hệ với Nga mà chưa có những thay đổi căn bản về mặt chiến lược. Hai nước chưa xây dựng được lòng tin thực sự, đặc biệt vẫn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng trong cách giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, cũng như việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Trên thực tế, ngay cả giới hoạch định chính sách Mỹ cũng chia rẽ trong việc khởi động quan hệ với Nga. Một số nhà hoạch định chính sách Mỹ cho rằng, Nga lợi dụng việc khởi động quan hệ Nga - Mỹ để từng bước khôi phục và củng cố vị thế địa chính trị của Liên Xô trước đây ở mức độ nhất định, làm giảm ảnh hưởng chiến lược của Mỹ. Nếu Nga một lần nữa giành địa vị chi phối khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều này sẽ trực tiếp uy hiếp đến khả năng chi phối toàn cầu của Mỹ, sẽ khiến Mỹ và Nga một lần nữa trở lại thế đối đầu.

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3, ông Putin đã công bố kế hoạch xây dựng liên minh Âu - Á, đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia thuộc Liên bang Xôviết trước đây. Đây chính là mối lo lắng của người Mỹ. Mỹ bắt đầu công khai ủng hộ các hoạt động biểu tình chống ông Putin của phe đối lập ở Nga, trong khi đó trong nước Nga cũng bắt đầu xuất hiện trào lưu mới chống Mỹ, và như vậy khởi động quan hệ Nga - Mỹ đang bị bao phủ một lớp mây đen.

Hôm 27/2 vừa qua, ông Putin đã đưa ra một văn kiện về chính sách ngoại giao của Nga có tiêu đề “Nga và một thế giới đầy biến động”. Đề cập đến quan hệ Nga - Mỹ, ông Putin cho rằng mặc dù hai bên đã có nhiều nỗ lực để cải thiện quan hệ song phương, song mối quan hệ này chưa có những thay đổi cơ bản và vẫn tồn tại nhiều trở ngại.

Tân Hoa xã cho rằng trong thời gian tới, quan hệ Nga - Mỹ sẽ trực tiếp bị tác động bởi ba vấn đề sau:
Một là, can thiệp và phản đối can thiệp về cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử Đuma Quốc gia Nga. Trước đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhiều lần công khai cáo buộc cuộc bầu cử Đuma cuối năm 2011 là không dân chủ, có hành vi gian lận và yêu cầu mở cuộc điều tra. Ông Putin cho rằng, bà Hillary đã kích động cuộc biểu tình của phe đối lập và can thiệp vào quá trình bầu cử ở Nga. Sau cuộc bầu cử tổng thống Nga, nếu Mỹ vẫn tiếp tục kích động và hỗ trợ các cuộc biểu tình của phe đối lập Nga, tương lai quan hệ Nga - Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc.

Hai là những bất đồng trong xử lý vấn đề Xyri. Mỹ cho rằng việc Nga cùng với Trung Quốc bác bỏ các nghị quyết lên án chính phủ Xyri, công khai tẩy chay hội nghị “Những người bạn của Xyri ” cho thấy Nga tiếp tục ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad, không coi trọng lợi ích với Oasinhtơn, bỏ qua việc tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ. Trong khi đó, Nga lại cho rằng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ phe đối lập ở Xyri. Nga luôn phản đối việc can thiệp vũ lực vào Xyri, không muốn Xyri lặp lại kịch bản của Libi. Ông Putin từng chỉ trích hành động quân sự lật đổ nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi của phương Tây, cho rằng hành động này vi phạm thô bạo nghị quyết của Liên hợp quốc.

Ba là bất đồng nghiêm trọng liên quan đến việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Nga cho rằng hệ thống này đe dọa sự an toàn chiến lược của Nga và có nguy cơ dẫn đến căng thẳng mới trong quan hệ Nga – Mỹ. Nga hy vọng Mỹ tiến hành cuộc đối thoại mang tính xây dựng về vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa, nếu không Nga sẽ đưa ra các biện pháp “hiệu quả và phi đối xứng”, phá tan hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Lê Hải

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN