Pháp-Trung: Hợp tác giữ thế cân bằng chiến lược

Tiếp bước Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng nước này Edouard Philippe đã có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc.

Trong vòng chưa đầy 6 tháng, Trung Quốc lần lượt tiếp đón hai nhà lãnh đạo cao nhất của Pháp, chưa kể chuyến công du mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tới Paris, điều thường chỉ hay xảy ra giữa hai đồng minh gần gũi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ở thủ đô Bắc Kinh ngày 25/6. Ảnh: THX/TTXVN

Nếu nhìn vào những chuyển động ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp gần đây, không khó để rút ra kết luận quan hệ giữa hai cường quốc cùng là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được nâng lên một tầm mức mới. Những diễn biến quốc tế gần đây, nhất là những quyết định mang tính chất đơn phương của Mỹ, đã có ảnh hưởng sâu sắc tới lợi ích của cả Paris và Bắc Kinh. Trong đó phải kể tới việc Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, áp mức thuế cao lên các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, cùng hàng chục sản phẩm từ Trung Quốc và đe dọa đánh thuế lên ô tô từ châu Âu. Không đơn giản là gây thiệt hại lớn về tài chính, những bước đi của Mỹ đã làm lung lay hệ thống thương mại toàn cầu mà cả Trung Quốc và Pháp, rộng hơn là EU, đang hưởng lợi lâu nay.

Thời gian qua, Trung Quốc và Pháp không chỉ thể hiện lập trường giống nhau đối với toàn cầu hóa, chống chủ nghĩa bảo hộ, mà dường như đang cố gắng phối hợp với nhau tìm kiếm giải pháp đối phó với sự xáo trộn ghê gớm trong hệ thống quốc tế. Việc hai nước liên tục trao đổi các chuyến thăm cấp cao nằm trong lô-gích này. Thực tế, không phải chỉ khi ông Emmanuel Macron lên nắm quyền, Paris và Bắc Kinh mới xích lại gần nhau. Trước đó, nhà lãnh đạo Pháp François Hollande đã chủ động cải thiện quan hệ với Trung Quốc sau những năm sóng gió trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Nicolas Sarkozy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chọn Trung Quốc là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên của ông tới châu Á, không chỉ vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà Bắc Kinh còn được xem là một đối tác thích hợp và tương xứng đối với một nước Pháp đang có tham vọng đóng  vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Tăng cường quan hệ với Trung Quốc cũng là lựa chọn tất yếu của Paris khi Pháp tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi Pháp có rất nhiều lợi ích chiến lược an ninh và kinh tế.

Việc Bắc Kinh trải thảm đỏ đón tiếp các nhà lãnh đạo Pháp, một trong những thành viên chủ chốt của EU, còn thể hiện những tính toán khác. Đó là tranh thủ thể hiện vai trò là cường quốc có trách nhiệm trong bối cảnh nước Mỹ dưới sự cầm quyền của Tổng thống Donald Trump đã có những bước đi ngược lại với những thông lệ ngoại giao quốc tế. Bắc Kinh hy vọng thắt chặt quan hệ với EU, nhất là Pháp, từ đó tạo ra đối trọng nặng ký để gây áp lực ngược trở lại Mỹ.

Để bày tỏ thiện chí cân bằng cán cân mậu dịch với Pháp, trong chuyến thăm của Thủ tướng Edouard Philippe, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều động thái có thể coi là nhượng bộ có ý nghĩa. Đáng chú ý là quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Pháp áp đặt từ năm 2001 đến nay sau dịch bò điên, ký kết khoảng 18 hợp đồng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ đàm phán tiến tới hoàn tất thương vụ đặt mua 184 máy bay Airbus, đã được khởi sự sau chuyến công du của Tổng thống Macron tới Bắc Kinh hồi đầu năm, hay thỏa thuận hợp đồng nghiên cứu dự án xây dựng một nhà máy tái chế chất thải hạt nhân tại Trung Quốc.

Tuy vậy, thành công của chiến lược này chưa chắc chắn, ngược lại, Bắc Kinh có thể còn phải chịu thêm sức ép lớn hơn. Thực tế nhiều năm nay, EU cùng với Mỹ liên tục đòi Trung Quốc phải mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận nhiều lĩnh vực từ trước đến nay vẫn bị hạn chế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty phương Tây, dỡ bỏ nhiều quy định liên quan đến thị trường và có biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ, trong đó phương Tây chịu thiệt. Trước sức ép lớn, tại Diễn đàn Bác Ngao tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về “một giai đoạn mở cửa mới” tại Trung Quốc, cam kết giảm bớt bớt thủ tục và dỡ bỏ một số kiểm soát công ty nước ngoài. Nhưng chừng đó chưa chắc đã đủ và EU có thể đòi Trung Quốc nhượng bộ hơn.

Ngoài những hình ảnh ngoại giao thân thiện, cho đến nay chưa thấy tiến triển đáng kể của sự phối hợp giữa Trung Quốc và Pháp, rộng hơn là với EU, chống lại xu thế bảo hệ mậu dịch. Ngược lại, bất chấp mâu thuẫn gay gắt với Mỹ, ngày 1/6 vừa qua, EU vẫn quyết định kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với lý do “gây phương hại quyền sở hữu trí tuệ của các công ty châu Âu”. Bước đi này được cho là phối hợp chặt chẽ với Washington, vốn trước đó vài ngày cũng có hành động tương tự.

Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế-thương mại, giữa Trung Quốc và Pháp còn nhiều bất đồng lớn khác chưa dễ vượt qua. Bắc Kinh không hài lòng với việc Paris vẫn từ chối ủng hộ sáng kiến “Vành đai và con đường”, dự án khổng lồ được cho là nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc ra thế giới. Tại Bắc Kinh, Thủ tướng Pháp vẫn nhắc lại lập trường đã được Tổng thống Macron khẳng định trong chuyến thăm gần đây, rằng đây là “dự án tốt” và Pháp sẵn sàng đồng hành, nhưng với điều kiện nó phải “minh bạch” để các doanh nghiệp Pháp có thể tham gia. Các nước lớn ở châu Âu lâu nay lo ngại việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào châu Âu, nhất là mua lại một số tài sản quan trọng tại Đông và Trung Âu, qua đó có khả năng can dự chính sách của một số nước thành viên và gây chia rẽ nội bộ EU. Thái độ thận trọng của Paris có lẽ là nhằm xây dựng một cách tiếp cận chung của cả EU đối với dự án của Trung Quốc.

Xét trên bình diện an ninh, quan điểm của Pháp và Trung Quốc cũng có nhiều điểm khác biệt lớn. Là cường quốc có diện tích lãnh hải lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, có lợi ích lớn và trực tiếp trong không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Pháp có một số lãnh thổ hải ngoại và căn cứ quân sự trong khu vực. Trong bối cảnh Trung Quốc đơn phương tăng cường các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, Pháp là một trong những nước châu Âu liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) trên các diễn đàn quốc tế quan trọng. Từ nhiều năm nay, Hải quân Pháp thường xuyên tiến hành các sứ mạng tự do lưu thông hàng hải và hàng không trong Thái Bình Dương, đặc biệt ở Biển Đông. Thông qua việc mở rộng hợp tác quân sự trong khu vực, như với Australia và Ấn Độ, Pháp đang từng bước hiện thực hóa chính sách đưa Paris trở thành một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm duy trì thế cân bằng chiến lược cần thiết giữa các cường quốc trong khu vực.

Việc trao đổi chuyến thăm của quan chức và lãnh đạo cấp cao Pháp-Trung gần đây với tần suất dày hơn là tín hiệu cho thấy cả hai nước coi trọng hợp tác với nhau để cùng tìm ra lời giải cho các thách thức chung. Điều này phù hợp với phương châm đối ngoại thực dụng của cả hai, đó là cố gắng hợp tác trong những lĩnh vực có thể, đồng thời tiếp tục đấu tranh để bảo vệ lợi ích riêng. Do đó, nhìn rộng bức tranh toàn cảnh, khó có thể đánh giá rằng quan hệ Pháp-Trung sẽ bước sang một trang mới, song hai bên chắc chắn sẽ duy trì bầu không khí hợp tác để mang lại cơ hội cho cả hai.

Tiến Nhất (Pv TTXVN tại Pháp )
Trung Quốc và Pháp nhất trí tăng cường thương mại
Trung Quốc và Pháp nhất trí tăng cường thương mại

Trung Quốc cho biết sẽ mua nhiều máy bay và nông sản của Pháp, đồng thời phối hợp giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường, nỗ lực tăng cường quan hệ với châu Âu trong bối cảnh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN