Phần Lan - Mối đe dọa của Eurozone

Phần Lan không còn muốn ở trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nữa và chống lại các quyết định được Liên minh châu Âu (EU) đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Brúcxen (Bỉ) trong hai ngày 28 - 29/6 vừa qua về đóng góp tài chính hỗ trợ các nước thành viên gặp khó khăn. Ký ức về cuộc khủng hoảng những năm 1990 vẫn đang điều phối chính sách kinh tế của Phần Lan và việc nước này đe dọa rút khỏi Eurozone đang làm đau đầu giới lãnh đạo châu Âu.

 

Tờ La Tribune (Pháp) số ra ngày 10/7 cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan, Jutta Urpilainen đã tuyên bố nước này không có trách nhiệm chung đối với các khoản nợ và những rủi ro của các nền kinh tế đang gặp khó khăn trong Eurozone. Và nếu châu Âu tiếp tục theo hướng bảo trợ thái quá này, Phần Lan sẵn sàng ra khỏi Eurozone. Thực chất, lập trường trên đây của Phần Lan là lập trường mang tính nguyên tắc. Năm 2011, chính phủ tiền nhiệm của nước này đã tỏ rõ sự kiên quyết liên quan đến vấn đề bảo lãnh đặc biệt với các khoản tín dụng dành cho Hy Lạp. Sự thay đổi của phe đa số vào tháng 6/2011 cũng không làm lay chuyển lập trường của giới chính trị Phần Lan. Chính phủ liên minh hiện hành muốn giữ Phần Lan trong Eurozone, song cũng không muốn để mất quá nhiều lợi ích bởi những gói trợ giúp cho các thành viên của khối.

 
Sự ổn định của tài chính công trở thành một thành tố chủ yếu trong nền kinh tế Phần Lan sau khi qua cơn kịch phát khủng hoảng bắt đầu từ thập niên 1990. Trong giai đoạn 1991 - 1995, các nước Bắc Âu đã trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc về mô hình "Nhà nước bảo hộ". Tuy nhiên, Phần Lan là nước chịu tác động nặng nề nhất. Cuối những năm 1980, nước này đạt mức tăng trưởng nhanh, đi kèm với việc thiếu điều tiết trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, sự đổ vỡ của Liên Xô cũ đã tạo ra cú sốc bất ngờ, ngăn cản tăng trưởng của Henxinki, bởi Phần Lan là cửa ngõ để các sản phẩm của Liên Xô đến với phương Tây. Việc quan hệ thương mại với Liên Xô bị đình trệ cũng kéo theo sự phá sản của một loạt các ngân hàng Phần Lan. Tăng trưởng cũng theo đó giảm từ 5,4% năm 1989 xuống còn âm 6,1% năm 1991.


Khi đó, chính phủ Phần Lan đã buộc phải tìm các biện pháp giải cứu. Món nợ của các ngân hàng được chuyển cho nhà nước và cuộc khủng hoảng kinh tế chuyển sang thành khủng hoảng nợ. Ngân sách quốc gia từ chỗ thặng dư 6% năm 1989 chuyển sang thâm hụt tới 8% năm 1993. Phần Lan từ chỗ giữ xếp hạng tín nhiệm AAA, đã bị hạ liên tiếp hai bậc. Bởi vậy, chính phủ Phần Lan khi đó đã quyết định đề ra các biện pháp khẩn cấp: Kế hoạch giải cứu kinh tế mùa Xuân năm 1995, tập trung giảm các khoản bồi thường thất nghiệp, cải cách hệ thống hưu trí, đồng thời tăng thuế; mặt khác nhà nước thẳng tay từ chối cứu các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bên bờ phá sản. Các khoản đầu tư được tập trung cho các doanh nghiệp đang đà tăng trưởng tốt, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Ngành tài chính nước này cũng được cơ cấu lại và đơn giản hóa.


Phần Lan từng phá giá đồng nội tệ vào tháng 9/1992 và hưởng lợi từ đà tăng trưởng thế giới bắt đầu năm 1994, trong đó, một phần không nhỏ là nhờ hiệu ứng "Nokia" với việc thúc đẩy phát triển các công nghệ mới. Những bài học trong quá khứ của Phần Lan có thể là bài học cho Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Italia hiện nay.
La Tribune đặt câu hỏi: Trường hợp Phần Lan ra khỏi Eurozone có tác động thế nào đến các đối tác trong khu vực? Xét về lý thuyết, đất nước 5 triệu dân và chiếm 1,4% GDP của Eurozone này ít có ảnh hưởng lớn đến phần còn lại. Song nếu Henxinki quyết định trở lại với đồng Mác Phần Lan (được sử dụng trước năm 1999), các nước đối tác trong Eurozone sẽ phải quan ngại. Khác với Hy Lạp, khi một nước có nền kinh tế lành mạnh rút khỏi Eurozone, nguy cơ hiển hiện rất rõ rằng các nền kinh tế vững chắc khác có thể theo gót Henxinki như Hà Lan, Áo, và có thể cả Đức. Ở thời điểm khó khăn hiện nay, niềm tin giữa các đối tác sẽ có ý nghĩa quyết định. Nếu Phần Lan "rũ áo ra đi", nguy cơ phong tỏa các cuộc cải cách trong Eurozone là rất rõ ràng và điều đó khiến đồng euro càng bị mất giá.


Trung Dũng (P/v TTXVN tại Pháp)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN