Sự khởi đầu của giai đoạn vô cùng khó khăn trước mắt để đưa đất nước Argentina trở lại con đường phát triển, đáp ứng mong mỏi và kỳ vọng của trên 46 triệu người dân sẽ được đặt lên vai nhà lãnh đạo được coi là “hiện tượng” này, người mới chỉ bước chân vào chính trường 2 năm trước.
Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, Tổng thống Milei đã ban hành sắc lệnh giảm một nửa tổng số bộ trong chính phủ xuống còn 9 bộ. Sắc lệnh này được cho là bước đi đầu tiên và là dấu hiệu cho thấy tân Tổng thống Argentina mong muốn hiện thực hóa cam kết cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công và giảm thiểu tình trạng thâm hụt ngân sách dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Những ngày trước đó, ông đã lần lượt công bố thành phần nội các mới trong 4 năm tới.
Vị trí quan trọng trong nội các mới của Tổng thống Milei được dư luận hết sức quan tâm là bộ trưởng kinh tế trong bối cảnh Argentina đang trong giai đoạn bất ổn với tỷ lệ lạm phát năm nay được dự báo vượt mốc 150%, trong khi tỷ lệ người nghèo đã vượt ngưỡng 40%. Người được lựa chọn cho "ghế nóng" này là nhà kinh tế học theo chủ nghĩa tự do cấp tiến Luis Caputo - được cho là "tác giả" của các kế hoạch bao gồm USD hóa nền kinh tế, cắt giảm chi tiêu công và đóng cửa Ngân hàng Trung ương Argentina. Ông Caputo từng là Bộ trưởng Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Mauricio Macri (2015-2019).
Cùng với đó, tân Tổng thống Milei đã mời bà Patricia Bulrich - Chủ tịch đảng Đề xuất Cộng hòa (chính đảng chủ chốt trong liên minh trung hữu cầm quyền giai đoạn 2015 - 2019) và là ứng cử viên về thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống vòng 1 - làm Bộ trưởng An ninh. Trong khi đó, ông Luis Petri - chính trị gia theo đường lối bảo thủ từng nằm trong liên danh tranh cử với bà Bulrich ở vị trí phó tổng thống - được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng.
Việc bổ nhiệm một số cựu quan chức trong chính quyền thời Tổng thống Macri đảm nhận các chức vụ quan trọng trong chính quyền mới cho thấy Tổng thống Milei đang tìm kiếm sự ủng hộ chính trị trong bối cảnh đảng Tiến bộ Tự do (LLA) do ông thành lập năm 2021 thiếu một nền tảng vững chắc ở cấp quốc gia. Đảng LLA hiện chỉ kiểm soát 38/257 ghế hạ viện và 7/72 ghế thượng viện. Chính đảng này sẽ cần tới sự ủng hộ của tất cả 94 hạ nghị sĩ và 21 thượng nghị sĩ của liên minh trung hữu để những đề xuất mang tính cải cách của chính phủ được thông qua tại quốc hội.
Ngoài vấn đề thiếu hụt sức mạnh chính trị trong lưỡng viện quốc hội, chính quyền của Tổng thống Milei còn phải đối mặt với vô vàn thách thức liên quan đến kinh tế vĩ mô. Điều này thể hiện ngay trong bài phát biểu nhậm chức khi tân Tổng thống Argentina hầu như chỉ tập trung vào cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước hiện nay cũng như chủ trương thay đổi hiện trạng kinh tế bằng liệu pháp "gây sốc".
Lạm phát tại Argentina đã ở mức xấp xỉ 150%. Tỷ lệ người nghèo, được định nghĩa là những người không đủ khả năng mua cả một túi hàng hóa cơ bản và một dịch vụ thiết yếu như vé xe buýt, đã vượt ngưỡng 40%. Thị trường tài chính hỗn loạn khiến vấn đề thu hút đầu tư trở nên cực kỳ phức tạp. Không chỉ vậy, Argentina hiện nợ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hơn 44 tỷ USD nhưng dự trữ ngoại tệ lại ở mức âm.
Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Milei đã cảnh báo người dân về tình trạng kinh tế “nguy kịch” của đất nước, đồng thời tuyên bố ông bắt buộc phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh có thể sẽ “không được lòng dân” để ngăn chặn lạm phát và cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô tồi tệ hiện nay. Theo tân Tổng thống Argentina, ưu tiên cao nhất của chính phủ mới là thực hiện mọi việc có thể để ngăn chặn “thảm họa siêu lạm phát”, trong đó không có giải pháp nào khác ngoài liệu pháp “gây sốc” để giải quyết nạn lạm phát và các vấn đề khác trong nền kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm chi tiêu công về mức như cam kết, tân Tổng thống Milei sẽ phải đối mặt với những phần nhạy cảm nhất của nền kinh tế Argentina. Phần lớn mức tăng chi tiêu là dành cho lương hưu, trong đó nhà nước chi khoảng 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - tương đương tỷ lệ tại các nước giàu có hơn Argentina, như Đức hay Phần Lan. Khoảng 2,5% GDP khác được chi hằng năm cho trợ cấp vận tải và tiện ích. Giảm lương hưu và trợ cấp cho dịch vụ công cộng sẽ gây tổn hại cho người nghèo ở Argentina, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ngoài ra, nếu ông Milei nhất quyết thực hiện kế hoạch USD hóa nền kinh tế, điều đó cũng có thể dẫn đến lạm phát cao hơn hoặc thậm chí có thể là siêu lạm phát khi người dân Argentina đổ xô đi đổi tiền. Các chuyên gia tài chính cảnh báo rằng Argentina không có đủ USD để đổi cho đồng nội tệ peso đang lưu hành và được giữ trong ngân hàng, đồng thời các chủ nợ quốc tế và IMF sẽ không cho Argentina vay đồng bạc xanh để thực hiện một kế hoạch mang tính rủi ro cao như vậy.
Chính tân Tổng thống Milei cũng phải thừa nhận, các điều chỉnh “gây sốc” sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế, thị trường lao động, tiền lương thực tế, khiến tỷ lệ nghèo đói có thể sẽ tăng thêm. Trong ngắn hạn, tình hình sẽ xấu đi với kịch bản về rủi ro đình đốn kinh tế kết hợp lạm phát cao (còn gọi tình trạng đình lạm trong kinh tế học).
Ngoài việc giải quyết những khó khăn kinh tế, chính phủ mới của Tổng thống Milei cũng phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa ý thức hệ và lợi ích thương mại trong chính sách quan hệ đối ngoại. Trong chiến dịch tranh cử, ông Milei tuyên bố chủ trương tăng cường liên kết với Mỹ, Israel, châu Âu và toàn bộ “thế giới tự do”, trong khi không ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và Brazil. Mặc dù sau khi thắng cử, ông Milei đã tỏ ra “mềm mỏng” hơn nhiều khi đề cập đến mối quan hệ trong tương lai giữa Buenos Aires với Brasilia hay với Bắc Kinh, song khôi phục lại “niềm tin” hợp tác của hai đối tác thương mại hàng đầu này của Argentina là vấn đề quan trọng mà chính quyền Tổng thống Milei cần phải xem xét nếu muốn thúc đẩy xuất khẩu để thu hút thêm ngoại tệ cho nền kinh tế. Đó sẽ là những nhiệm vụ đầy thách thức của chính quyền mới ở Argentina.