Hãng tin Reuters ngày 31/1 dẫn nhận định của các nhà phân tích cho biết, những bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ qua biên giới nhằm vào khu vực của người Kurd ở Iraq ít thu hút sự chú ý toàn cầu so với các cuộc xâm nhập vào Syria hoặc cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng sự leo thang này có nguy cơ gây bất ổn hơn nữa cho một khu vực nơi các thế lực nước ngoài đã can thiệp mà không bị trừng phạt.
Các quan chức người Kurd cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng cường can dự nếu các căn cứ mới ở Iraq của họ bị tấn công liên tục, trong khi sự hiện diện ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể khuyến khích Iran mở rộng hành động quân sự ở Iraq chống lại các nhóm mà họ cáo buộc kích động tình trạng bất ổn ở trong nước.
Cựu Tổng thư ký lực lượng Peshmerga của người Kurd, Jabar Manda, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có 29 tiền đồn ở Iraq cho đến năm 2019, nhưng con số này đã tăng lên khi Ankara cố gắng ngăn chặn Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ của họ.
Ông Manda nói: “Năm này qua năm khác, những tiền đồn ngày càng gia tăng sau sự leo thang của các cuộc đụng độ giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và PKK, với con số ước tính hiện tại là 87, chủ yếu ở một dải lãnh thổ biên giới dài khoảng 150 km và sâu 30 km”.
Ông Manda, hiện là nhà phân tích an ninh ở Sulaimaniya, cho biết: “Ở những tiền đồn đó có xe tăng và xe bọc thép. Máy bay trực thăng tiếp tế cho các tiền đồn hàng ngày”.
Khi được yêu cầu bình luận về các căn cứ của mình ở Iraq, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các hoạt động của họ ở đó phù hợp với điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, quy định cho các quốc gia thành viên quyền tự vệ trong trường hợp bị tấn công.
“Cuộc chiến chống khủng bố của chúng tôi ở miền Bắc Iraq được thực hiện với sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ với chính quyền Iraq”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố, tuy nhiên không đề cập đến các câu hỏi về các số liệu do các quan chức người Kurd trích dẫn.
Sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq, từ lâu nằm ngoài sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền Baghdad, bắt đầu từ những năm 1990 khi cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein cho phép các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu 5 km vào nước này để chống lại PKK.
Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng một sự hiện diện đáng kể, bao gồm một căn cứ ở Bashiqa cách 80 km bên trong Iraq, nơi Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng quân đội của họ là một phần của sứ mệnh quốc tế nhằm huấn luyện và trang bị cho các lực lượng Iraq để chống lại IS
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã làm việc để tránh thương vong cho dân thường thông qua sự phối hợp với chính quyền Iraq.
Một báo cáo được công bố vào tháng 8 năm ngoái bởi liên minh các tổ chức phi chính phủ về chấm dứt đánh bom xuyên biên giới, cho biết ít nhất 98 dân thường đã thiệt mạng từ năm 2015 đến năm 2021. Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức đưa ra con số dân thường thiệt mạng tương tự, cho biết 1.180 chiến binh PKK đã bị chết trong giai đoạn 2015 - 2022.
Theo một quan chức của Chính quyền khu vực người Kurd (KRG) của Iraq, cuộc xung đột cũng đã khiến ít nhất 800 ngôi làng bị bỏ trống kể từ năm 2015, khi lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK bị phá vỡ, khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Ngoài tác động nhân đạo, sự xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ mở rộng cuộc xung đột khi tạo động lực cho Iran đẩy mạnh các hoạt động tình báo bên trong Iraq và thực hiện hành động quân sự của riêng mình, các quan chức người Kurd cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng, lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq cũng có lý do để đáp trả sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ, làm tăng khả năng leo thang giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm ngoài PKK.
Hamdi Malik, một chuyên gia về lực lượng dân quân người Shite ở Iraq tại Viện Washington, cho biết các nhóm thân Iran như Liwa Ahrar al-Iraq (Lữ đoàn Nhân dân Tự do Iraq) và Ahrar Sinjar (Người dân Sinjar Tự do) đã tự đổi thương hiệu vào năm ngoái thành Lữ đoàn Nhân dân Tự do Iraq nhằm chống lại sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo cáo của Viện Washington, các cuộc tấn công vào các cơ sở quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq đã tăng từ mức trung bình 1,5 cuộc tấn công mỗi tháng vào đầu năm 2022 lên 7 cuộc vào tháng 4 cùng năm.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang đánh giá thấp sức mạnh của phe đối lập và thực tế là những cơ sở này sẽ trở thành mục tiêu trong tương lai khi sự thù địch gia tăng”, Sajad Jiyad, nhà phân tích của Quỹ Thế kỷ (The Century Foundation), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết.
Trong khi đó, nền chính trị bị chia cắt ở miền Bắc Iraq có nghĩa là cả chính phủ ở Baghdad và chính quyền khu vực KRG đều không đủ mạnh để thách thức sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ – hoặc để đáp ứng mục tiêu của Ankara là kiềm chế PKK.
Chính phủ Baghdad đã phàn nàn về các cuộc tấn công của Ankara nhưng có rất ít thẩm quyền ở phía Bắc chủ yếu là người Kurd, trong khi Đảng Dân chủ người Kurd (KDP) cầm quyền của khu vực không có hỏa lực để thách thức PKK. KDP có lịch sử hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có ảnh hưởng hạn chế đối với một nước láng giềng có ảnh hưởng kinh tế và quân sự lớn hơn nhiều.